Vì sao lại phải như vậy khi mà việc tổ chức thi cho trẻ dù về mặt nguyên tắc chung, chúng đâu đã biết chữ để có thể thi thố này nọ. Thứ nữa, cấp học này của ngành giáo dục đã được chúng ta coi như buộc phải phổ cập rồi, tại sao vẫn phải như vậy! 

Hôm mới đây, tôi ngồi cà phê với mấy ông bạn học cùng khoá Tổng hợp Văn (K18) Hà Nội gần 50 năm trước đàm đạo chuyện đời. Họ đều là nhà giáo như PGS, TS Nguyễn Bá Thành, nguyên  Chủ nhiệm khoa Văn ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn  Hà Nội; PGS, TS Phạm Thành Hưng, nguyên  Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Họ kể và phàn nàn một chuyện mà tôi thấy ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. 

Hoá ra mấy nhà giáo nói trên đều có cháu nội năm nay đi thi vào lớp 1 và chính họ lại đưa cháu đi thi thay cho cha mẹ tụi nhỏ nên biết khá kỹ. 

Cháu không biết "địa chỉ" là gì nên trượt 

PGS, TS Nguyễn Bá Thành tâm sự rằng, về nguyên tắc, các cháu đều chưa biết chữ. Nếu như các cháu không có điều kiện đi học trường mầm non, nhất là ở vùng sâu vùng xa thì thế nào? Tại sao lại có đề thi khi chúng chưa hề biết chữ? Tôi không hiểu họ nghĩ sao để ra đề nếu các gia đình không đưa con, cháu được “vào lò” luyện thi. Ông nêu câu hỏi mà thấy rất đáng suy nghĩ. Ông bảo rằng trước đây chúng ta luôn nói, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội là trẻ em được cắp sách đến trường và miễn phí tiền học. Còn nay thì sao? Tính ưu việt đó là gì khi muốn vào lớp 1 cũng đâu dễ huống hồ chuyện phải đóng tiền học đủ thứ!  

{keywords}
Ảnh: Thanh Hùng

Còn PGS, TS Phạm Thành Hưng thì kể một chuyện rõ là vui. Cháu nội ông được cô giáo gọi vào phòng thi và đã bị loại ngay  trong tổng số 10 cháu hôm đó vì một lý do thật đơn giản. Cô giáo hỏi cháu  đọc cho cô biết địa chỉ nơi cư trú, cháu nói: Con không biết “địa chỉ” là cái gì. 

Thế rồi sau khi cháu ông bị trượt một cách lãng xẹt, Hội đồng nhà trường cũng chiếu cố cho vào học vì thấy cũng có thể cái từ “địa chỉ” mà cô hỏi là khái niệm khó hiểu nếu cháu chưa được nghe ai dạy, ai nói. 

Tiếp đó, cũng “do thấy cháu nhỏ nhà tôi cao ráo, lại có vẻ đẹp trai, khôi ngô nên cô giáo đã cắt cử cu cậu làm lớp trưởng. Tiếc rằng cháu chỉ được giữ chức có đúng vài hôm rồi thôi. Lý do là vì các bạn gái thấy bạn trai này rất có cảm tình nên xúm vào vẹo má nó. Nó cũng đã nhịn một hồi nhưng rồi phát cáu nên lấy luôn chiếc cặp làm 'vũ khí' tự vệ, tấn công các bạn hơi quá tay. Cô thấy to chuyện nên quyết định bãi nhiệm chức lớp trưởng của nó... Khi nghe tin cháu thôi làm lớp trưởng, ông nội có hỏi thì nó đành phải thú nhận chuyện trên" - PGS Thành Hưng kể. 

Lý của nhà trường 

Còn khi tôi hỏi kỹ chuyện tổ chức thi tuyển vào lớp 1 thì PGS Nguyễn Bá Thành có cho biết, ông cũng rất băn khoăn trước vấn đề trên nên cũng đã vào hỏi chuyện trực tiếp các cô giáo.  

Và ông Thành cũng đã vỡ vạc ra nhiều điều. Lý do các cô giải thích cho ông âu cũng vì số thí sinh xin nhập học quá đông so với chỉ tiêu được tuyển. Vì thế nên đây chính là một hình thức gạn lọc thí sinh dự tuyển để xem ai khá hơn thì lấy sao cho đồng đều hơn. Sau này còn chuyện thi đua nữa, tội gì trường không chọn kỹ để còn có thành tích cuối năm ganh đua với các trường khác. 

Nếu ngẫm cho kỹ, theo tôi thì các nhà trường cũng có cái lý của họ, tội gì không chọn, không “cân, đong, đo, đếm” và chắc  cũng sẽ có chuyện “xin/cho” một cách hợp lệ nhất. 

Nhưng nếu nhìn vào cấu trúc bài kiểm tra đầu vào lớp 1 được tiến hành qua các bước gồm trắc nghiệm IQ và kiểm tra khả năng kể chuyện, ngoại ngữ... thì tôi thấy nó có gì đó “nghiêm trọng” quá mức cần thiết. 

Tại phòng thi, cô giáo sẽ đọc đề để các con làm bài mà các bậc phụ huynh sẽ thấy lo thay cho những cháu trước đó không có điều kiện ôn thi tử tế.

Nên chăng, việc cho các trường tổ chức tuyển chọn cũng là cần thiết nhưng có thể chỉ là kiểm tra IQ đơn giản hơn, xem như để biết các con có bình thường không, có bị tự kỷ hay bị bệnh down gì không, thế đã là đủ. Không nên nặng nề quá khâu chọn, thi đầu vào như vậy khi mà chúng ta xem lớp 1 của tiểu học cũng chỉ là lớp vỡ lòng của mấy chục năm trước. 

Quốc Phong

Trường đồi, gà công nghiệp và câu chuyện trò dạy thầy

Trường đồi, gà công nghiệp và câu chuyện trò dạy thầy

“Đúng là thầy không nên ví von với con gà công nghiệp. Cảm ơn con vì dạy cho thầy bài học cảm thương với loài gà công nghiệp”, thầy Nguyễn Đức Quang, nhà sáng lập và điều hành trường đồi, Spring Hill, viết.