“Đại bàng” công nghệ sang các nước láng giềng
Sau bài viết “Để tránh tụt hậu: Phải có thế hệ lãnh đạo tài năng và kỹ trị”, tôi nhận được nhiều phản hồi, trong đó có không ít nhận xét trái chiều.
Luồng ý kiến đó cho rằng, bài viết dường như thiên về tiêu cực khi nói về tình trạng tụt hậu của đất nước; chúng ta vẫn đang tăng trưởng rất tốt; cứ phát triển như hiện nay thì chúng ta sẽ đuổi kịp các nước…
Tôi hoàn toàn không hề có ý phủ nhận những thành quả phát triển “điển hình thành công” mà thế giới đã công nhận, như một số ý kiến nhận xét nêu trên.
Chúng ta từ một nước trong nhóm nghèo nhất thế giới khi bắt đầu Đổi mới gần 40 năm trước mà chỉ trong vòng một thế hệ, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước thu nhập trung bình và đạt được nhiều thành tựu về xã hội tương đương với các quốc gia có thu nhập cao hơn, theo Ngân hàng Thế giới.
Bất kỳ thế hệ nào trải qua thời kỳ bao cấp lúc chật vật nhất, cả ngày chỉ nghĩ đến cái ăn, cái mặc, luôn đối diện với cảm giác bất an… đều thấy cuộc sống vật chất, tinh thần ngày nay của mình và những người xung quanh đều cao hơn trước nhiều lần nhờ những quả ngọt của Đổi mới.
Vấn đề là nhờ Internet và đặc biệt là hội nhập sâu rộng, bắt đầu từ khi được gỡ bỏ cấm vận và gia nhập WTO, chúng ta đã biết thế giới văn minh, hiện đại như khối OECD phát triển như thế nào, những quốc gia Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, có những bước nhảy vọt ra sao; thậm chí nhóm trên trong Asean đã thành công bằng phương cách gì…
Chính những câu chuyện thành công bên ngoài đầy lôi cuốn, hấp dẫn là tấm gương để chúng ta soi mình vào, thấy chúng ta ở đâu, xem chúng ta có tụt hậu hay không, chứ còn soi với chúng ta trong thời bao cấp thì không nói làm gì.
Giáo sư danh dự, Đại học Waseda, Tokyo Trần Văn Thọ nhận xét: “Từ thập niên 1990 Việt Nam cho thấy một thành quả phát triển đáng kể nhưng nền kinh tế chưa có một giai đoạn phát triển cao trung bình mỗi năm 10% kéo dài trên 10 năm”. Kinh nghiệm phát triển như vậy khác hẳn so với các nước Đông Á phát triển thành công.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… ở Đông Á đã từng có tăng trưởng hơn 10% kéo dài hơn một thập kỷ, và chỉ trong 30-40 năm đã vươn lên top đầu thế giới.
Còn chúng ta, dù tăng trưởng “quý sau cao hơn quý trước”, chưa bao giờ đạt tới mức hơn tăng trưởng 10% và kéo dài hơn một thập kỷ. Sau hơn 40 năm Đổi mới, chúng ta vẫn ở mức thu nhập trung bình thấp, người lao động Việt Nam vẫn phải cặm cụi làm thuê, làm mướn ở bậc thấp của chuỗi giá trị, năng suất lao động thuộc hàng kém nhất trong khu vực.
Chúng ta muốn thu hút các đại bàng công nghệ, nhưng chúng ta chưa bao giờ đặt ra câu hỏi, vì sao họ lại sang Thái Lan, Malaysia, Indonesia chứ không vào Việt Nam? Điều gì khác biệt trong môi trường đầu tư, kinh doanh giữa chúng ta và các quốc gia trong khu vực để các "đại bàng" công nghệ lại sang các nước láng giềng làm tổ?
Vì sao nhiều doanh nghiệp tư nhân cùng khởi nghiệp cách đây 30 năm mà đến nay, họ không thể so sánh về quy mô, tiềm lực, uy tín quốc tế như các hãng công nghệ ở Trung Quốc, Hàn Quốc? Những quy định gì đã cản trở họ thành công?
Chúng ta đặt chỉ tiêu đến năm 2030 có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm; tầm nhìn đến năm 2045 phải trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Những mục tiêu cao đó thể hiện sự khát khao, khát vọng để phấn đấu. Mục tiêu này rất cần thiết trong bối cảnh tăng trưởng của đất nước giảm dần sau mỗi thập kỷ; các động lực nội địa như đầu tư, tiêu dùng có xu hướng giảm gần đây.
Phát triển để ổn định
Xin trích dẫn số liệu của về “Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới công bố cuối tuần trước. Định chế này cảnh báo, mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam là mục tiêu rất tham vọng.
Để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, yêu cầu đặt ra là phải tăng hơn gấp ba thu nhập theo đầu người hiện nay của Việt Nam trong hai mươi năm tới. Điều đó có nghĩa là phải duy trì bền vững tăng trưởng GDP theo đầu người ở mức khoảng 6% mỗi năm và duy trì tăng trưởng năng suất lao động thậm chí còn cao hơn nữa ở mức 6,3%, trong điều kiện dân số ở độ tuổi lao động sẽ giảm tương đối. Điều đó cũng đòi hỏi tốc độ tăng trưởng tương lai còn cao hơn tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng trước đây của Việt Nam kể từ thập kỷ 1990.
Nếu không đẩy mạnh tăng trưởng đầu tư và năng suất, mục tiêu như vậy có thể nằm ngoài tầm với.
Theo kịch bản như hiện hành, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam theo dự báo sẽ giảm xuống mức bình quân hàng năm là 5% trong hai thập kỷ tới, chủ yếu do tăng trưởng nguồn cung lao động giảm, khiến cho thu nhập theo đầu người của Việt Nam sẽ không đạt ngưỡng của quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Tốc độ tăng trưởng năng suất bình quân của Việt Nam đạt 0,9% trong mười năm qua, thấp hơn hầu hết các quốc gia so sánh.
Trong khi đó, tỷ lệ tổng đầu tư của tư nhân và nhà nước so GDP đạt 32%, cao hơn so với Thái Lan và Malaysia, nhưng thấp hơn so với Trung Quốc (43% GDP).
Định chế này tính toán, nếu Việt Nam chỉ dựa vào tăng năng suất, thì cần duy trì bền vững tốc độ tăng trưởng năng suất hàng năm ở mức cao hơn nhiều so với mức 2% đến năm 2030 để đạt được mục tiêu thu nhập cao. Đây là lộ trình giống của Hàn Quốc và Singapore vào thời điểm các quốc gia đó đạt mức thu nhập theo đầu người như ở Việt Nam hiện nay.
Mặt khác, nếu chỉ dựa vào tăng đầu tư, yêu cầu đặt ra là phải duy trì tỷ lệ đầu tư thiếu bền vững ở mức 49% GDP, thậm chí còn cao hơn tỷ lệ đầu tư cao ngoại lệ của Trung Quốc.
Tổng kết lại, định chế này cho rằng, lộ trình minh họa để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi phải kết hợp giữa tăng trưởng năng suất hàng năm 1,8% và tỷ lệ đầu tư ở mức 36% đến năm 2030.
Ngân hàng Thế giới đưa ra nhiều khuyến nghị, nhưng xin không nhắc lại vì bài viết đã quá dài.
Chỉ xin nhấn mạnh rằng, để đẩy mạnh tăng trưởng năng suất và đầu tư với tốc độ như họ tính toán là vô cùng khó khăn và tham vọng chứ không dễ dàng chút nào.
Nhiều năm nay, chúng ta tiếp cận “ổn định để phát triển” và đã thành công, nhưng đã đến lúc cần chuyển sang phương thức “phát triển để ổn định”. Và cách tiếp cận đó sẽ đòi hỏi nhiều bước chuyển đổi khác đi kèm cả trong và ngoài lĩnh vực kinh tế mà “kỷ nguyên vươn mình” sẽ xác định tới đây.