Cái sự vinh danh trên mặt đường nếu ở ta, sẽ là ở đâu? Trên vỉa hè con đường tản bộ ven hồ Gươm, hay một con phố đi bộ vào mỗi cuối tuần, có chỗ nào để những "ngôi sao" không bị đẫm lên hay rơi vào đó một mẩu tàn thuốc?

Đêm 16 tháng giêng, Đinh Dậu, nhà thơ Nguyễn Duy nhận được niềm vui lớn. Dân làng Quảng Xá, một ngôi làng ở miền quê Thanh Hoá quê ông tổ chức đêm thơ Nguyễn Duy, nhân dịp kỷ niệm ngôi đình làng tròn 150 tuổi.

Chiều cùng ngày, "chính quyền phường Đông Vệ cũng trang trọng tổ chức lễ đặt một phiến đá quí tại khuôn viên phường. Phiến đá này được lấy từ quê ngoại Hà Trung của nhà thơ, trên đó khắc bài TRE VIỆT NAM - bài thơ ông viết vào năm 1971. Không chỉ có nhà thơ Nguyễn Duy, dân làng và bạn bè đều rất xúc động".

Thật là một cách vinh danh đầy tinh thần văn hoá, giản dị mà tương kính!

                       ***

Gần đây chuyện "vinh danh" nở rộ khiến người ta liên tưởng đến các phong trào. Từ " gia đình văn hoá" đến "khu phố văn hoá" hay "làng văn hoá". Các tổ chức cơ quan đoàn thể doanh nghiệp thì các loại danh hiệu, huân huy chương, giấy khen, bằng khen treo kín tường. Nhiều gia đình dòng họ cố lục lại gia phả tìm người trong họ tộc từng được vinh danh hiển đạt để làm bộ gia phả dòng họ…. Đó cũng là một khát khao cơ bản không xấu, và có từ ngàn đời rồi.

                      ***

Gần đây có ý tưởng tạo lập một "Tuyến phố danh vọng" ở Hà Nội. Là theo khuôn mẫu của " đại lộ Danh vọng Hollywood của Mỹ, nơi người ta "gắn hơn 2.000 ngôi sao năm cánh có tên các nhân vật nổi tiếng được phòng thương mại Hollywood vinh danh vì những đóng góp của họ trong ngành công nghiệp giải trí". Hoặc "Đại lộ Ngôi sao" với chủ đề về điện ảnh ở Hồng Kông, một điểm thu hút khách du lịch.

{keywords}
Gần đây có ý tưởng tạo lập "Đại lộ danh vọng Hollywood". Ảnh: Dân Việt

Theo những gì người chủ trương dự án "Tuyến phố Danh vọng" ở Hà Nội cho biết, "việc có một con đường, địa điểm để vinh danh các cá nhân có đóng góp cho một đất nước, một dân tộc theo tôi là điều cần thiết. Nó thể hiện sự tri ân của thế hệ sau đối với những người có công, tạo ra những giá trị đặc biệt cho xã hội.

Trước mỗi ý tưởng nên được cảm nhận nó trước tiên bằng những suy nghĩ tích cực. Với tinh thần đó thì mục đích của người khởi xướng ý tưởng trên là chính đáng. Tuy nhiên, nghĩ sâu hơn sẽ thấy có rất nhiều điểm cần bàn thêm. Nhất là việc áp dụng mô hình có nội dung văn hoá từ một quốc gia có nền văn hoá quá khác biệt về mọi mặt. Đấy là chưa nói đến" câu chuyện của nhà đầu tư", quan điểm thẩm mỹ, bài toán kinh phí, khai thác và lợi nhuận.

Về văn hoá, sẽ không có gì trở thành vấn đề lớn khi mang tượng Nữ thần Tự do từ Paris sang đặt ở New York. Và người ta đã  khá thành công khi làm "Đại lộ Ngôi sao" ở Hồng Kông khi các không gian tổng thể và các thành phần tạo nên nó ở một tầm không quá khác biệt. Nhưng Hồng Kông không làm dập khuôn, và Hồng Kong có nhiều nét tương đồng về sự phát triển và giao hoà văn hoá.

Và ở Mỹ người ta có thể in hình tổng thống lên váy thì những ngôi sao danh giá kia có thể nằm trên mặt đường cũng là chuyện bình thường. Và cái mặt đường ấy luôn như một tấm gương không ai có thể vứt lên đấy một cọng rác dù rất nhỏ. Nhưng thực ra đấy cũng là một phần nhỏ của câu chuyện.

Vấn đề ở chỗ cái sự vinh danh trên mặt đường kia nếu ở ta, sẽ là ở đâu? Trên vỉa hè con đường tản bộ ven hồ Gươm, hay một con phố đi bộ vào mỗi cuối tuần, có chỗ nào để những "ngôi sao" không bị đẫm lên hay rơi vào đó một mẩu tàn thuốc? Cần bao nhiêu trật tự viên để canh chừng cho những mặt đường luôn cần sự sạch sẽ cho những cái tên sáng giá ấy. Những thứ tưởng là "tiểu tiết" ấy đã đặt ra bao nhiêu câu hỏi làm nhức đầu nhà quản lý, chưa nói những việc khác lớn hơn.

Trong ý tưởng khởi xướng cũng đã đề cập đến việc đầu tư và khai thác. Tôi giả dụ, nhà đầu tư là một doanh nghiệp sản xuất đá có ý nghĩ:

"Có thể khi chấp thuận cho chúng tôi đầu tư "đại lộ danh vọng" Hà Nội sẽ cho phép chúng tôi tổ chức trông xe, kinh doanh dịch vụ... tại khu vực này trong một thời hạn nhất định và chịu giám sát, quản lý của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau.

Và, đại lộ danh vọng sẽ mở ra cơ hội “triển lãm” lớn giới thiệu với khách quốc tế về sản phẩm đá tự nhiên của Việt Nam và góp phần đưa ngành công nghiệp khai thác đá trong nước phát triển..."

Khi đó tôi tin chắc sẽ nảy sinh thêm những câu hỏi lớn.

Một địa điểm văn hoá cộng đồng theo một nghĩa rất "thiêng liêng" lại hoạt động và điều hành theo một tư duy lấy thu bù chi kiểu " trông xe và kinh doanh dịch vụ". Thêm nữa "đại lộ danh vọng còn là một “triển lãm” lớn giới thiệu với khách quốc tế về sản phẩm đá tự nhiên của Việt Nam"…không biết đây sẽ là nơi vinh danh danh nhân văn hoá hay sản phẩm thương mại? Hay nơi giới quảng bá "logo" cho doanh nghiệp?

Không thể phủ nhận vai trò "xã hội hoá" trong các hoạt động của đời sống văn hoá xã hội. Nhưng trong một số lĩnh vực cụ thể, khi tinh thần văn hoá có sự đòi hỏi ở múc độ "tinh khiết" gần như tuyệt đối thì cần sự minh bạch, sáng sủa và trong lành. Cần một sự " hy sinh" theo tinh thần nghĩa hiệp "tử vì đạo". Là cách nói thôi chứ đầu tư cho văn hoá dù có "phi lợi nhuận" cũng chả thể nào "chết" được nếu đủ sức và có tâm, có tầm.

Không gian đô thị bao giờ cũng cần một không khí, một tinh thần văn hoá, nó được tạo nên bởi nhiều thành phần, vật thể và các hoạt động phi vật thể. Nó cũng có thể học hỏi từ bên ngoài, nhưng không phải sự dập khuôn, mà là sự "ứng dụng" theo cách tinh lọc cái tinh thần văn hoá, dùng nó trong sự phối kết hài hoà, phù hợp với không gian đô thị bản địa, với tâm lý, nếp nghĩ và tâm thức cư dân ở một tầm văn minh, tiến bộ.

Cho nên, dù là "con đường" hay " "tuyến phố danh vọng" thì cũng nên chỉ nhìn cái người ta đã làm như một sự "gợi ý", để gợi mở một hướng đi theo nguyện ước vinh danh đúng nghĩa nhất cho những giá trị văn hoá thực thụ.

Nếu làm không khéo, sai lạc đi, sự "vinh danh" rất dễ thành phản cảm, phản tác dụng. Có khi lại kích thích sự "vọng danh" của người ta.

Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương