Trong số gần 72.000 tỷ để chống ngập ở thành phố Hồ Chí Minh, ngân sách trung ương có thể hỗ trợ 10.000 tỷ từ bán một phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp.
Dự án chống ngập thành phố Hồ Chí Minh là một trong số các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ đề xuất lên Quốc hội.
Dẫn báo cáo của Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ cho biết dự kiến nhu cầu đầu tư các dự án chống ngập giai đoạn 2016-2020 là 71.951 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ từ tiền bán một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 10.000 tỷ đồng.
Các dự án triển khai trong giai đoạn 2016-2020 sau khi hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ngập cho khu vực rộng 550 km2 (khu vực trung tâm, Bắc, Tây, một phần Đông Bắc, Đông Nam TP. HCM).
Đồng thời giải quyết an sinh xã hội cho khoảng 6,6 triệu dân thuộc 13 quận trung tâm (1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp) và các Quận 12, Bình Tân, một phần Quận 2, 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè.
Dự án chống ngập thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch với tổng số vốn 51.911 tỷ đồng tại Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001 với tổng mức đầu tư dự kiến theo là 40.380 tỷ đồng và Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 với tổng mức đầu tư dự kiến là 11.531 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các Quy hoạch được phê duyệt từ lâu, theo tính toán của thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư để thực hiện đầy đủ các nội dung theo Quy hoạch 1547 là hơn 65.000 tỷ đồng, Quy hoạch 752 lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng và chưa được tính toán cụ thể.
Đến hết năm 2015 số vốn đã được đầu tư là 28.778 tỷ đồng. Trong đó, đối với các dự án thuộc quy hoạch 752, tổng vốn đã bố trí khoảng 24.300 tỷ đồng (ngân sách Thành phố khoảng 9.000 tỷ đồng và vốn ODA khoảng 15.300 tỷ đồng).
Còn đối với Quy hoạch 1547, ngân sách Thành phố là 4.478 tỷ đồng.
L.Bằng