Sở GTVT TP.HCM vừa cập nhật dự thảo mới đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM” và chờ lấy ý kiến phản biện từ các chuyên gia, nhà khoa học.

Theo đề xuất, Sở GTVT TP.HCM phân chia các quận, huyện làm 5 khu vực và dựa theo giá đất tại tuyến đường đó để đề xuất mức thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường.

Mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố được phân chia theo 5 khu vực theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM. 

Cụ thể, khu vực 1 sẽ bao gồm các quận trung tâm TP như 1, 3, 4, 5,10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam TP, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) với mức thu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh được đề xuất từ 50.000 – 100.000 đồng/m2/tháng. Mức thu sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ xe ôtô, xe máy, xe mô tô và xe đạp; sử dụng hè phố để trông giữ xe máy, xe mô tô và xe đạp từ 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 2 (Quận 2 cũ trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 6, 7 - trừ Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố - Quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân) có mức thu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh từ 20.000 – 30.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe từ 70.000 – 100.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 3 gồm các quận 8, 9, 12, quận Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp và khu vực 4 gồm huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi sẽ có mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 60.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 5 (huyện Cần Giờ), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng.

Vỉa hè, lòng đường trung tâm TP.HCM bị chiếm dụng để làm chỗ đậu xe sai quy định.

Mạng lưới đường bộ trên địa bàn TP.HCM đang khai thác với tổng chiều dài gần 5.000km với 5 tuyến Quốc lộ, 10 tuyến đường tỉnh; 457 tuyến đường huyện; 3180 tuyến đường xã; 1.286 tuyến đường đô thị; 308 đường chuyên dùng; 733 tuyến các loại đường nông thôn khác.

Theo Sở GTVT, hiện nay, trên địa bàn Thành phố hiện nay có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, trong đó có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5m với chiều dài 2.328 km và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên với chiều dài 1.716km.

Qua thống kê hơn 1/2 số tuyến đường không có vỉa hè nên dẫn đến xảy ra tình trạng dừng đậu xe dưới lòng đường trên các tuyến đường này.

Sở này tính toán việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách thành phố khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm (số thu đối với lòng đường 550 tỷ đồng/năm và số thu đối với vỉa hè 972 tỷ đồng/năm).

Mức thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường ở TP.HCM như đề xuất trên được đánh giá là tương đương với Hà Nội và Đà Nẵng.