Liên quan đến đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố đang gây xôn xao dư luận những ngày qua, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết đơn vị được UBND TP.HCM giao xây dựng đề án này.

Mới đây, Sở GTVT TP đã gửi công văn đến UBND các quận huyện và TP Thủ Đức để rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ làm cơ sở để xây dựng đề án Thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn. Hiện đề án ở giai đoạn bắt đầu xây dựng, các đơn vị liên quan vẫn chưa có báo cáo kết quả rà soát. Mức phí cụ thể với các trường hợp thuê sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường đang được xây dựng. 

Vỉa hè bị chiếm dụng khiến người đi bộ phải di chuyển xuống lòng đường 

Vị đại diện Sở GTVT cho biết, trong dự thảo lần này, ngoài tính toán cho một số trường hợp dùng tạm vỉa hè phải đóng phí, đơn vị cũng xây dựng cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm và công tác phối hợp của các tổ chức, các cá nhân liên quan trong quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố.

"Việc quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè sẽ được tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh việc xác định tuyến đường, khu vực được thu phí - không thu phí, mức phí cụ thể cho từng khu vực thì cần nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, miễn giảm cho một số đối tượng nhằm giảm thiểu tác động đến người dân cũng như giao thông”- vị đại diện thông tin thêm.

Sau khi hoàn chỉnh đề án, Sở GTVT sẽ lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan, tổng hợp tham mưu UBND TP trình HĐND TP xem xét ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định tại Luật phí và Lệ phí.

Vỉa hè từng được đề xuất cho thuê giá 100.000 đồng/m2 mỗi tháng

Tìm hiểu của P.V VietNamNet, năm 2008, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 74/2008 về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn. Đây được xem là khung pháp lý quy định điều kiện của các vỉa hè, lòng đường nào được đậu xe; vỉa hè nào được dùng làm nơi giữ xe có thu phí, cho thuê kinh doanh, ai có thẩm quyền cho thuê…

Quyết định năm 2008 chỉ rõ phạm vi triển khai đề án đối với tuyến đường có vỉa hè rộng trên 3m, phạm vi cho phép sử dụng tạm thời ngoài mục đích giao thông có bề rộng lớn nhất là 1,5m. Đối với vỉa hè có bề rộng nhỏ hơn 3m, việc cấp phép sử dụng ngoài mục đích giao thông chỉ được xem xét đối với một số trường hợp nhưng phải đảm bảo lưu thông cho người đi bộ.

Khu vực vỉa hè được cấp phép sử dụng tạm thời phải đảm bảo không chắn ngang lối ra vào đường hẻm, không nằm trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, cơ quan ngoại giao, công sở...

Toàn bộ vỉa hè góc Tôn Thất Hiệp đoạn gần giao với đường Nguyễn Huệ bị chiếm dụng làm bãi giữ xe máy sai quy định

Đến năm 2017, Sở GTVT phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND TP.HCM sửa Quyết định 74/2008 do chính quyền TP ban hành vào năm 2008 về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn. Tại thời điểm đó, Sở này cho rằng, phí sử dụng hè phố theo quyết định trước đây là 12.000 đồng/m2 mỗi tháng là quá thấp, không còn phù hợp với thực tế. 

Trên cơ sở đó, Sở này đề xuất mức phí mới trong việc sử dụng tạm thời vỉa hè để làm bãi giữ xe, kinh doanh, chợ đêm... Mức phí dựa trên giá đất của từng khu vực. Trong đó, cao nhất thuộc quận 1 là 100.000 đồng cho 1 m2/tháng. Tiếp đến là quận 3; 5; 10; Phú Nhuận; quận 11, Bình Thạnh và quận 6 - với mức giá lần lượt là 80.000 đồng; 50.000; 45.000; 40.000; 35.000; 30.000; 25.000.

Giá thuê thấp nhất (20.000 đồng/m2) được áp dụng tại TP Thủ Đức, quận 7, 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân và các quận huyện vùng ven.

Sau khi tiếp nhận đề xuất trên, UBND TP tiếp tục giao Sở GTVT tiếp thu các ý kiến đóng góp hoàn chỉnh đề án trên phù hợp với chủ trương tái lập trật tự lòng lề đường trên địa bàn TP.

Trên vỉa hè hàng quán bày bán tràn lan, dưới lòng đường ô tô đậu bất chấp biển cấm, gây mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị

Hiện nay, việc cho thuê vỉa hè tại TP.HCM vẫn chưa thể triển khai. Nhiều nơi của TP.HCM, nhất là khu vực trung tâm xảy ra tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm vô tội vạ để làm quán nhậu, kinh doanh, buôn bán.

Việc vỉa hè xảy ra tình trạng ‘mạnh ai nấy lấn’ gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người đi bộ, do buộc họ phải xuống đường để di chuyển.