Còn đằng này tìm cách cắt giảm quyền lợi của họ thì làm sao gọi là khuyến khích được?

Mới đây, trong nội dung hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu, sau 1 năm nghỉ việc không tham gia bảo hiểm xã hội, và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội bằng 1 tháng tiền lương bình quân tính đóng bảo hiểm xã hội. Xung quanh đề xuất này, Báo Người lao động tiếp tục nhận được nhiều ý của độc giả góp ý về vấn đề này.

 Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần: Còn ai muốn tham gia bảo hiểm xã hội? - Ảnh 1.
 

Bạn đọc tên Biên đặt câu hỏi: "Ai nghĩ ra ý tưởng kỳ quặc đó. Muốn người lao động đóng nhiều năm, nhiều tiền mới được hưởng lương hưu mà muốn rút ra không được, lại còn bớt đi nữa. Muốn người lao động không rút ra thì phải tính toán có lợi cả hai bên mới được?".

Tương tự, bạn đọc Bui Van Chau góp ý: Tôi đề nghi không đổi luật bảo hiểm xã hội, vì thay đổi là rất thiệt thòi cho người lao động, giảm xuống 50% thì dần dần người lao động sẽ không ai muốn tham gia bảo hiểm xã hội nữa. Rất mong các nhà làm luật hãy đi sâu đi sát vào người lao động và người tham gia bảo hiểm xã hội trước khi ban hành luật, vì các bác chỉ ở trên lý thuyết thôi, còn trong thực tế các bác có hiểu cho những người lao động lam lũ vất vả khi nghỉ việc mà chưa đủ tuổi nghỉ hưu. người ta muốn rút tiền bảo hiểm xã hội đấy để lo cho gia đình cuộc sống của họ. Nay. các bác lại còn muốn giảm đi vậy sau này có mấy người muốn tham gia bảo hiểm xã hội nữa".

 Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần: Còn ai muốn tham gia bảo hiểm xã hội? - Ảnh 2.
 

Bạn đọc tên Nhiều cũng bức xúc không kém khi khẳng định không người lao động nào muốn nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội nữa cả. "Phải nghỉ việc là rơi vào hoàn cảnh éo le, cùng cực. Các vị có biết lúc đó một đồng cũng đáng quý với người lao động. Hãy ở vào hoàn cảnh của họ mà ban hành chính sách" – bạn đọc này góp ý. Đồng quan điểm, bạn đọc Phạm Mạnh Cường gay gắt: "Những ý tưởng cạn kiệt chỉ có trong phòng máy lạnh với bốn bức tường! Xin hãy trải nghiệm người công nhân làm ca kíp, đêm hôm, ăn uống kham khổ vội vàng đi".

Bạn đọc Nguyễn Thị Lan bình luận: Tôi thấy các vị này không bao giờ lo cho người lao động mà chỉ lo cái túi tiền của mình thôi. Thật là nực cười tiền mồ hôi nước mắt của người lao động đóng vô mà đến khi người lao động nghĩ việc thì lại chỉ trả lại cho người lao động chỉ có 50% số tiền mà người lao động đóng vô........ Vậy các vị phải trả lời cho tôi biết số tiền 50% còn lại của người lao động các vị làm gì. Tôi không thèm nói đến tiền lãi suốt thời gian tôi đóng cho các vị đó. Ai cho phép các vị đối xử với người lao động như vậy. Tôi rất mong các vị sớm có câu trả lời?. Bạn đọc tên Liêm cũng trăn trở không kém: "Trong bối cảnh đại dịch Covid còn kéo dài, Chính phủ và nhiều địa phương đang tìm cách hỗ trợ cho người lao động giảm bớt khó khăn còn ngành lao động thì đề xuất ngược lại?

 Đề xuất giảm 50% mức hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần: Còn ai muốn tham gia bảo hiểm xã hội? - Ảnh 3.
 

Trả lời Báo Người Lao Động, ông PGS-TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn khẳng định số tiền người lao động đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là tiền trích ra từ lương hằng tháng của người lao động. Quỹ bảo hiểm xã hội chỉ là cơ quan quản lý, giữ hộ tiền cho người lao động. Thế nhưng, quỹ bảo hiểm xã hội lại chỉ trả lại cho họ có 50% là vô lý. Đây là tiền người lao động gửi bảo hiểm xã hội giữ hộ, sau này về già người ta có khoản tiền để bảo đảm cuộc sống chứ không phải là của bảo hiểm xã hội ban cho. "Để người lao động không ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội thì phải có các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút người lao động tham gia nhiều hơn nữa. Còn đằng này tìm cách cắt giảm quyền lợi của họ thì làm sao gọi là khuyến khích được?" - PGS-TS Vũ Quang Thọ bày tỏ.

Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: - 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

(Theo Người Lao Động)