Điều 56, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất bổ sung nhiều thay đổi về phân hạng giấy phép lái xe. Trong đó, giấy phép lái xe cấp cho người lái mô tô được chia thành 3 hạng.

Cụ thể, hạng A1 cấp cho người lái mô tô hai bánh dung tích xi lanh đến 125cc hoặc công suất động cơ điện đến 11kw. Hạng A cấp cho người lái xe có dung tích xy lanh trên 125cc hoặc có công suất động cơ điện trên 11kw. Hạng B1 cấp cho người lái mô tô ba bánh và các loại xe thuộc hạng A1. Người khuyết tật lái mô tô ba bánh được cấp giấy phép A1. Các giấy phép các hạng này không có thời hạn. 

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 đang có hiệu lực, giấy phép lái mô tô gồm các hạng A1, A2, A3 và B1. Trong đó, A1 cấp cho người lái xe 50-175cc; A2 từ 175cc. Như vậy, theo dự thảo mới, hạng A sẽ thay thế hạng A2 hiện hành, đồng thời thay đổi ngưỡng dung tích xi lanh với A1 từ 175cc xuống 125cc. Hạng B1 thay thế A3.

w xe hop dong tra hinh 3 copy 1 991.jpeg
Lực lượng CSGT kiểm tra giấy tờ, bằng lái xe của tài xế. Ảnh: Đình Hiếu 

Với giấy phép lái xe ô tô, Bộ Công an đề xuất giấy phép hạng B có thời hạn 10 năm, dành cho người lái xe đến 8 chỗ (không kể ghế tài xế); ô tô tải và chuyên dùng đến 3,5 tấn.

Luật hiện hành quy định hạng B1 cấp cho tài xế lái ô tô đến 9 chỗ không hành nghề lái xe và B2 dành cho người hành nghề lái xe. Tại dự thảo mới, Bộ Công an gộp hai hạng B1 và B2 thành hạng B.

Giấy phép lái xe hạng C (dành cho lái xe tải từ 3,5 tấn) theo luật hiện hành được đề xuất tách thành C1 (dành cho lái xe 3,5-7,5 tấn) và C (trên 7,5 tấn).

Hạng D (lái ôtô từ 10 đến 30 chỗ) theo luật hiện nay sẽ dự kiến tách thành hạng D1 (8-16 chỗ) và D2 (16-29 chỗ). Hạng E (trên 30 chỗ) hiện nay sẽ được thay bằng hạng D, gồm cả xe giường nằm và xe buýt.

Bổ sung điểm vào giấy phép lái xe  

Điều 57, dự thảo Luật bổ sung mới nội dung về điểm của giấy phép lái xe. Cụ thể, điểm giấy phép lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, gồm 12 điểm.

Người lái xe vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe theo quy định của Chính phủ. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.

Giấy phép lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.

Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phải tham dự kỳ sát hạch, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Giấy phép lái xe mới cấp đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép lái xe trước khi cấp đổi, cấp lại, nâng hạng.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ đồng tình với việc bổ sung quy định trừ điểm trên giấy phép lái xe. 

"Đây cũng là cách để doanh nghiệp đánh giá tài xế chấp hành các quy định trong suốt quá trình làm việc. Từ kết quả xử lý của cơ quan chức năng, doanh nghiệp vận tải xem xét ký kết hợp đồng lao động với tài xế”, ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, việc tính điểm trên giấy phép lái xe là một giải pháp đã được một số nước phát triển trên thế giới áp dụng. Để triển khai được việc này phải dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu theo dõi đầy đủ tài xế, người vi phạm.

Ngoài ra, tại Điều 36, Dự thảo Luật cũng quy định về biển số xe.Theo đó, biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe, việc cấp biển số định danh giúp người dân không phải mang nhiều giấy tờ khi tham gia giao thông, giảm chi phí thời gian, đi lại mà vẫn bảo đảm thông tin chính xác khi thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện công tác quản lý nhanh chóng, thuận lợi hơn, giảm nhân lực, tiết kiệm thời gian và chi phí lưu trữ, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tiến tới sử dụng đăng ký xe điện tử, tích hợp trên ứng dụng VNeID, người dân sẽ không phải mang nhiều giấy tờ khi ra đường.