Bộ GTVT vừa có báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện.

Theo Bộ GTVT, bên cạnh các chính sách ưu đãi chung về thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp thì ngành sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam còn chịu sự điều chỉnh của các chính sách mang tính đặc thù, thường xuyên sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các chính sách thuế đối với phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.

"Chính sách khuyến khích sử dụng ô tô điện của Việt Nam hiện mới chỉ tập trung vào dòng xe điện chạy pin (BEV) thông qua các ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ", Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT đang đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện. (Ảnh minh họa)

Trước thực tế này, Bộ GTVT đề xuất khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang ô tô điện với 3 loại xe gồm: chạy pin, sử dụng pin nhiên liệu, dùng năng lượng mặt trời.

Đối với ô tô điện sản xuất lắp ráp, Bộ GTVT kiến nghị, rà soát, bổ sung các chính sách ưu tiên phát triển ô tô điện (đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng) trong các luật liên quan.

Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý pin ô tô điện thải bỏ.

Cùng với bổ sung ngành nghề sản xuất lắp ráp ô tô điện, sản xuất pin vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, Bộ GTVT đề xuất ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô điện, pin xe điện.  Miễn, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền, linh kiện để sản xuất lắp ráp ô tô điện, pin xe điện.

Đối với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, bảo dưỡng ô tô điện, Bộ GTVT đề xuất có cơ chế ưu đãi tiếp cận tài chính, tín dụng cho đối tượng này và ưu tiên tiếp cận, chuyển giao công nghệ sản xuất lắp ráp ô tô điện. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi thuế ô tô điện nhập khẩu.

Đối với người sử dụng, Bộ GTVT cũng đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với ô tô điện. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua ô tô điện.

Đồng thời, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công.

Đáng chú ý, theo Bộ GTVT, nhiều doanh nghiệp đề xuất tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/2/2027 đối với ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước; miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo.

Đối với phí trước bạ, miễn lệ phí trước bạ đối với ô tô điện trong 5 năm đầu kể từ ngày 1/3/2022. Trong 2 năm tiếp theo (từ 1/3/2027), lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho ô tô điện cho 2 năm tiếp theo.

Doanh nghiệp cũng đề xuất trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ ô tô chạy xăng, dầu sang ô tô điện khoảng 1.000 USD/xe.

Đối với phát triển hạ tầng trạm sạc, Bộ GTVT đề xuất ban hành các quy chuẩn về trạm sạc điện, chuẩn kết nối trạm sạc phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ sạc quốc tế. Quy định hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư, cơ sở hạ tầng đầu tư mới, cơ sở hạ tầng cải tạo.

Cùng đó, cho phép xây dựng trạm sạc điện công cộng trên các công trình có mục đích sử dụng đất như hiện tại mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trạm sạc.

Nghiên cứu việc miễn giấy phép xây dựng và điều chỉnh chủ trương đầu tư khi lắp đặt trạm sạc và ưu tiên cấp điện cho hạ tầng trạm sạc điện công cộng.

Bộ GTVT cũng đề xuất ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh.

Miễn thuế nhập khẩu máy móc linh kiện và ưu đãi giá bán điện, ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ cho hệ thống trạm sạc điện công cộng. Ưu đãi tiền thuê đất, tiếp cận quỹ, miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện.