Cần rõ ràng hơn
Đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia về di sản văn hóa có mặt tại tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.
Các ý kiến đóng góp tại tọa đàm sẽ được tổng hợp, chỉnh sửa và gửi lại cho ban soạn thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để có sự điều chỉnh hợp lý để hoàn thiện sớm trình Chính phủ ban hành.
Phần lớn đại biểu khẳng định nội dung, các điều luật trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) còn chung chung, chưa rõ ràng, hệ thống khái niệm chưa chính xác. PGS.TS Nguyễn Công Việt cho biết quy định luật cần cụ thể hóa, rõ ràng, chi tiết hơn, bởi các điều luật quy định không thể chung chung.
“Việc quản lý, thực hành Luật Di sản Văn hóa cần cụ thể hơn. Luật cần cụ thể hóa theo từng cấp độ, từ trung ương đến địa phương, từ Bộ VHTTDL đến các sở quản lý văn hóa”, ông Hiệp nêu.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm cho rằng hệ thống khái niệm chưa chuẩn xác. Theo đó một vài khái niệm như di sản văn hóa phi vật thể, danh lam thắng cảnh, bảo vật quốc gia... chưa phù hợp để làm khái niệm công cụ, biểu tượng cho cả bộ luật.
“Bảo tàng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, tư liệu hóa, trưng bày... Thế nhưng liệu có cần câu: Bảo tàng phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm văn hóa, khoa học và thúc đẩy phát triển bền vững? Nếu định nghĩa đưa thêm vào như vậy rất khó hiểu, bởi bảo tàng thúc đẩy phát triển bền vững như thế nào? Định nghĩa, khái niệm cần bao quát, dễ hiểu”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm phân tích.
Ngoài phần giải nghĩa từ ngữ, PGS.TS Phương Châm cho biết một số điều khoản, nội dung trong dự thảo luật cần diễn đạt lại để không gây hiểu nhầm cho người quản lý, thi hành luật.
Gỡ khó cơ chế về thuế
Các đại biểu cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật.
“Nhà nước có chủ trương hồi hương cổ vật nhưng có cổ vật về đến sân bay lại bị hải quan giữ lại vì chưa đóng thuế. Mức thuế lên đến 10% tổng giá trị cổ vật, việc này gây khó khăn lớn cho các đơn vị”, TS. Phạm Quốc Quân nêu.
Việc số hóa bảo tàng cũng được các đại biểu quan tâm. Theo TS. Nguyễn Thị Thắm nội dung các điều luật đã nhấn mạnh tầm quan trọng của số hóa, thông tin, tư liệu của các loại hình văn hóa vật thể nhưng chưa thấy được các tư liệu về văn hóa phi vật thể như dữ liệu âm thanh, hình ảnh.
“Mục tiêu sửa đổi luật cần thêm việc đóng góp chiến lược văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2025-2035, đặc biệt là đề xuất xây dựng bảo tàng tập trung di sản quốc gia tiêu biểu như cổ vật, trang phục, ẩm thực, các nghệ thuật trình diễn… Việc này vừa có giá trị đại diện cho văn hóa Việt vừa mang đến sức lan tỏa, quảng bá văn hóa đến với bạn bè quốc tế”, TS. Nguyễn Thị Thắm nêu.
Bà nhấn mạnh các bảo tàng số nên được cung cấp miễn phí và khuyến khích sử dụng các tư liệu, các di sản văn hóa Việt Nam vào các hoạt động sáng tác nghệ thuật, văn hóa cộng đồng.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam - khẳng định những điều luật của Luật Di sản văn hóa cần dựa trên cơ sở những điểm yếu, lỗ hổng của các bộ luật trước đó để sửa đổi.
Bên cạnh đó việc huy động được nguồn lực trong dân chưa được nhiều nhà quản lý coi trọng. Nhiệm vụ thời gian trước là bảo vệ di sản được hoàn thành tốt song việc phát huy, phát triển giá trị di sản còn bị bỏ ngỏ. Ông cho rằng trong dự thảo luật cần có thêm quy định về phát huy giá trị di sản.
Luật Di sản văn hóa được ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, là bước cụ thể hóa chính sách về bảo tồn di sản văn hóa theo Hiến pháp năm 1992 và tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII).
(Theo Tiền Phong)