Mới đây, lãnh đạo Cục CSGT có đề xuất về cơ chế trả tiền cho người dân, mua lại các hình ảnh, video clip vi phạm giao thông để xử phạt nguội.

Theo đó, người dân có thể gửi video clip tự quay hay trên camera hành trình trên xe mình tới Cục CSGT. Nếu xử phạt được người vi phạm, người ghi hình sẽ được trả một phần trong số tiền đó. 

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn xử lý vi phạm giao thông là phạt nguội từ thông tin, tin báo của quần chúng nhân dân, đề xuất mua video clip về tình huống vi phạm để xử phạt vi phạm giao thông cũng là vấn đề dễ hiểu. 

Khi có thêm các thông tin về những hành vi vi phạm giao thông đường bộ, đặc biệt là những hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến những vụ tai nạn giao thông, việc xử lý vi phạm sẽ triệt để hơn, có căn cứ hơn, góp phần tích cực trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. 

Luật sư Đặng Văn Cường

Khi có quy định về bất kỳ người dân nào cũng có quyền quay video clip vi phạm giao thông để bán được tiền cho cơ quan chức năng, hành vi vi phạm có thể giảm đi, có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực cho xã hội.

Tuy nhiên, khi quy định vấn đề này, sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh cần được giải quyết như: giá cả video clip được tính như thế nào, phụ thuộc vào độ dài của video clip, chất lượng video clip hay phụ thuộc vào nội dung vụ việc? 

Trường hợp cùng một vụ việc nhưng nhiều người quay video clip thì sẽ mua của ai? Nếu cơ quan chức năng từ chối mua video clip của người dân thì có bị khiếu kiện hay không? 

Luật sư cho rằng, nếu giá tiền mà Nhà nước chi ra để trả cho người có video clip ghi lại hình ảnh vi phạm giao thông là đáng kể, rất có thể nhiều người sẽ sống bằng nghề “săn” video clip vi phạm. Khi đó quyền hình ảnh của cá nhân có thể sẽ bị xâm phạm, lợi dụng.

Có những tình huống, những hoàn cảnh, những góc nhìn có thể xâm phạm quyền riêng tư. Nếu những thông tin đó không được kiểm soát tốt, có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề xã hội...

Thiếu tính khả thi

Theo luật sư Đặng Văn Cường, với tình trạng giao thông ở Việt Nam hiện nay, những hành vi vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi quá tốc độ, chuyển hướng không bật đèn tín hiệu diễn ra rất phổ biến. 

Các camera giám sát trên đường giao thông, ở các ngã tư, ngã ba ghi lại rất nhiều trường hợp vi phạm giao thông nhưng chưa được xem xét xử lý. 

Nếu lực lượng chức năng có đủ người, đủ phương tiện kỹ thuật, có thời gian, chỉ cần khai thác những tình huống vi phạm giao thông ở các camera giám sát trên đường giao thông hiện nay là đã có khối lượng công việc khổng lồ, rất nhiều căn cứ để xử lý vi phạm, phạt nguội. 

“Khi những tình huống đó, những dữ liệu đó chưa được xem xét xử lý thì việc mua thêm video clip của người dân để xử lý phạt nguội sẽ là không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi”, luật sư Đặng Văn Cường đưa ra quan điểm.

Vẫn theo luật sư, việc ngân sách phải chi ra một khoản chi phí để mua video clip vi phạm của người dân sẽ dẫn đến nhiều xáo trộn trong đời sống xã hội, có thể giảm tải cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, nhưng sẽ tăng thời gian, công sức cho việc thẩm định xác minh tính chính xác của các video clip.

Và không loại trừ trường hợp video clip là dàn dựng, cắt ghép, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác minh, xử lý. 

Rồi khi xuất hiện một lực lượng đông đảo chuyên đi "săn” video clip vi phạm giao thông để bán lấy tiền, có thể sẽ khiến những người thi hành công vụ ỷ lại,  thiếu trách nhiệm trong việc phát hiện, xử lý vi phạm...

“Theo quan điểm của cá nhân tôi, trong bối cảnh kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay, đề xuất mua video clip của người dân để xử phạt vi phạm hành chính về giao thông là không khả thi, chưa cần thiết và có thể phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội”, lời luật sư Đặng Văn Cường.

T.Nhung