Mật ong hiện nay bán tràn lan, người dân không biết mua hàng thật ở đâu. Những trang thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Shopee đang rao bán mật ong giả rất nhiều. Tương tự, mỹ phẩm giả cũng vô số. Nhiều người sử dụng hàng giả thời gian dài, đến khi gặp hàng thật còn không tin và phủ nhận hàng thật. 

Thông tin trên được Luật sư Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - chia sẻ tại Tọa đàm “Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 2/12. Theo vị luật sư, bà từng mua sản phẩm trên các sàn TMĐT về kiểm tra và phát hiện là hàng giả.

Còn bà Đại Khả Quỳnh - Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam - (VAMM) thừa nhận đang “đau đầu” khi hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp được bán đầy trên môi trường mạng. 

Thống kê giai đoạn 2016-2021, mỗi năm có khoảng 31.000 phụ tùng xe máy giả bị thu giữ, phương thức vi phạm đang ngày càng tinh vi hơn, hàng chủ yếu bán trên kênh online. Dễ dàng thấy các trang TMĐT uy tín như Shopee hay Lazada bày bán rất nhiều hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc nhưng lại ghi hàng chính hãng, theo bà Quỳnh.

“Hình ảnh các sản phẩm là thật, nhưng khi click chuột vào đường dẫn thì ra trang Shopee bán xe Vespa nhái. Đây là hành vi lợi dụng, gian lận đối với các nhãn hàng mà chúng tôi đã bỏ công sức tạo dựng thương hiệu suốt thời gian dài”, đại diện VAMM nói.

Tọa đàm liên quan đến chống hàng lậu, hàng giả diễn ra sáng 2/12. (Ảnh: Tạp chí Hải quan)

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho rằng, đối với những người chấp nhận tiêu thụ hàng giả, phải có biện pháp răn đe. Cả người bán và người mua hàng giả đều phải có chế tài xử phạt.

Đơn cử, một số quốc gia trên thế giới, người dân đến sân bay nếu mang hàng giả, khi bị phát hiện sẽ bị tịch thu và phạt rất nặng. Do đó, cần áp dụng trong nước, người nào mua hàng thương hiệu giả thì cũng phạt nặng bởi có cầu thì mới có cung. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - thông tin, 9 tháng đầu năm 2022, các đơn vị phát hiện, bắt giữ, xử lý 96.975 vụ việc vi phạm, gồm 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.866 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước 7.666 tỷ đồng; khởi tố 380 vụ với 472 đối tượng.