Tại Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức ngày 30/11, luật sư Phạm Ngọc Hưng kể, thời gian gần đây, nhiều người hưu trí mang theo những xấp trái phiếu đến Trung tâm Hòa giải thương mại Tracent của ông hỏi về phương án giải quyết hàng tỷ đồng tiền trái phiếu đã mua.
Từ thông tin của khách hàng, vị luật sư cho biết, niềm tin vào thị trường trái phiếu bị đánh mất bởi bốn lỗi lầm.
Thứ nhất, lỗi bởi nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ. Họ mua vì niềm tin với ngân hàng, công ty chứng khoán, đơn vị phát hành.
Thứ hai, lỗi do đơn vị tư vấn phát hành đưa các viễn cảnh dòng tiền quá hay.
Thứ ba, đơn vị môi giới không thông tin đủ rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải như đối với trái phiếu không đảm bảo, doanh nghiệp phá sản...
Thứ tư, cơ quan quản lý đã quy định đầy đủ về phát hành trái phiếu chưa và kiểm tra việc thực hiện như thế nào, hồ sơ đăng ký phát hành sai thì ai chịu trách nhiệm?
“Trách nhiệm của nhà môi giới, ngân hàng, công ty chứng khoán cần được cơ quan công an xác định rõ. Cần nhiều bên vào cuộc?”, ông Hưng bày tỏ.
Trong khi đó, bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch Công ty Cổ phần Mebi Farm, thông tin, doanh nghiệp của bà đang bị vạ lây, room tín dụng vướng, không thể đảo dòng tiền. Bên cạnh đó, kế hoạch phát hành trái phiếu huy động vốn cho sản xuất phải tạm dừng do nhà đầu tư mất niềm tin.
Giải tỏa áp lực đáo hạn
Ông Hà Khắc Minh, Tổng biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp, cho rằng, sau những sự cố, Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu ra đời cần thời gian làm quen với thị trường. Đây cũng là công cụ sàng lọc, tìm ra những doanh nghiệp thật sự trong sạch, giúp thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn Quốc tế - CIB, đề xuất ba nhóm giải pháp giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn.
Một, đối với doanh nghiệp đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ tài chính, doanh nghiệp có thể vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để có tiền mua lại phần còn lại. Hoặc, doanh nghiệp nên thương lượng trực tiếp với trái chủ chờ đáo hạn.
Trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Vừa qua, Citi Bank đã đồng ý chuyển đổi trái phiếu Novaland thành cổ phiếu NVL với giá 85.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá NVL chỉ hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.
Hai, với doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém khả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu là áp lực không nhỏ. Lúc này, doanh nghiệp cần có kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, đơn vị buộc phải bán tài sản như đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối,... để thanh toán cho nhà đầu tư.
Ba, doanh nghiệp cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực lên doanh nghiệp.