Cụ thể, Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần đánh giá kỹ nguyên nhân rút hưởng BHXH một lần, trong đó có việc lao động chưa tin tưởng sự bảo toàn, phát triển bền vững của Quỹ BHXH.

Điều 60 Luật BHXH 2014 trước đây quy định theo hướng lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian này, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu tiếp tục tham gia.

Quy định này nhằm giữ người lao động ở lại với lưới an sinh nhưng đã khiến nhiều công nhân phía Nam phản ứng, ngừng việc tập thể để phản đối.

Chính phủ sau đó kiến nghị Quốc hội xây dựng Nghị quyết 93 sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.

Người rút BHXH tăng cao trong thời gian vừa qua. Ảnh minh hoạ: Hồ Văn

Theo Bộ LĐTB&XH, thực hiện Nghị quyết 93 giai đoạn từ 2016-2022, cả nước có gần 4,85 triệu người rút BHXH một lần. Gần 1,3 triệu người trong số này sau đó đã quay trở lại hệ thống khi tiếp tục đi làm và đóng BHXH (chiếm 26%). Bình quân cứ 1,5 người vào lưới an sinh thì một người rời khỏi hệ thống.

Bộ LĐTB&XH cho biết, sẽ trình Chính phủ và báo cáo xin ý kiến Quốc hội hai phương án rút BHXH một lần.
Phương án 1, giữ nguyên như hiện hành; phương án 2 chỉ giải quyết 50% tổng thời gian đóng và phần còn lại bảo lưu trong hệ thống để sau này lao động hưởng chế độ.

Đảm bảo chính sách an sinh, không nên cho rút BHXH một lần

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, để đảm bảo chính sách an sinh thì không nên cho người lao động rút một lần.

Tuy nhiên, vì hiện nay người lao động đang khó khăn, do vậy chỉ nên quy định rút một phần không quá 50%, phần còn lại để hướng người lao động tái tham gia BHXH, từ đó có thể hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.

Theo bà Hương, để bảo vệ quyền lợi người lao động, cơ quan BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng cho người lao động. Theo đó, số năm đóng vẫn được giữ nguyên và mức hưởng sau này dựa trên số tiền đóng thực tế.

“Công thức hưởng chế độ hưu trí từ BHXH dựa trên mức đóng và số năm đóng. Do vậy, BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng để tạo điều kiện cho người lao động đảm bảo thời gian hưởng lương hưu.

Ngược lại, nếu rút 50% đồng nghĩa mất nửa thời gian đóng, khi tái tham gia trở lại, người lao động có số năm tham gia BHXH ít, dẫn đến mức hưởng hưu trí, trợ cấp rất thấp”, bà Hương nói. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, việc để người lao động rút BHXH một cục rồi tham gia thị trường lao động lại từ đầu là thất bại của chính sách. Người lao động khi “rút sạch” làm cho bảo hiểm hưu trí trở nên vô nghĩa và để lại hệ lụy cho người lao động khi về già không có lương hưu.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được cơ quan soạn thảo trình Chính phủ trong tháng 6, trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới. Nếu không có gì thay đổi sẽ được thông qua tháng 5/2024.