Sáng 23/5, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Nghị định số 162/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (Nghị định 162).
Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam cho biết, quá trình thực hiện Nghị định 162 có những khó khăn nhất định vì tính chất, đặc điểm hoạt động GGHB hầu hết diễn ra ở các nước đang có nội chiến, tình hình an ninh, chính trị phức tạp; địa bàn khắc nghiệt, rủi ro cao.
Liên Hợp Quốc ngày càng đặt ra yêu cầu cao về tiêu chuẩn và năng lực, trong khi đó, tham gia hoạt động GGHB là nhiệm vụ mới, do vậy việc đảm bảo chế độ, chính sách cho lực lượng của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng.
Trong khi đó Nghị định 162 chưa bao quát hết đối tượng được áp dụng do sự thiếu đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Chế độ, chính sách ưu tiên cho lực lượng nữ chưa toàn diện và chưa mang tính khuyến khích cao. Nghị định 162 quy định lực lượng nữ được hưởng thêm mức phụ cấp bằng 2%. Tuy nhiên, xét về điều kiện sinh hoạt, công tác và sự hy sinh của phụ nữ cần xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam đề xuất, quy định nhóm chức danh và nâng tỷ lệ % hưởng phụ cấp của Liên Hợp Quốc; điều chỉnh chế độ, chính sách thu hút lực lượng nữ tham gia GGHB.
Đề xuất cụ thể khi sửa đổi Nghị định 162, Đại tá Nguyễn Hồng Giang, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh cho rằng, "đối với người hưởng lương hàng tháng được hưởng hiện đang là 40%, đề nghị điều chỉnh lên có thể ở mức cao nhất (100%) mức lương hiện hưởng...".
Đại tá Nguyễn Hồng Giang cũng đề nghị, đối với lực lượng nữ, điều chỉnh hàng tháng được hưởng thêm phụ cấp bằng 5% (hiện đang là 2%) mức chi trả bình quân.
Phát biểu từ phái bộ tại Abyei, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương, Tổ trưởng tổ công tác tại phái bộ GGHB Liên Hợp Quốc khu vực Abyei cũng đề xuất điều chỉnh mức lương hưởng hàng tháng trong nước từ 40% lên 100%. Trung tá Phương đề xuất, bổ sung phụ cấp đặc thù hoặc công tác phí cho nữ sĩ quan tham gia hoạt động GGHB theo hình thức độc lập và chế độ, chính sách phù hợp cho nữ cá nhân đảm nhiệm vụ trí quản lý, chỉ huy.
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương chia sẻ, thực tiễn nữ quân nhân tham gia GGHB là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức khi đòi hỏi chuyên môn cao, xa gia đình, điều kiện sống vất vả, khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Nghị định 162 là cơ sở pháp lý đầu tiên, quan trọng để đảm bảo chế độ, chính sách cơ bản cho lực lượng GGHB Việt Nam, góp phần động viên, khuyến khích hơn 530 cán bộ, quân nhân Quân đội, Công an đang làm nhiệm vụ.
Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, nước ta đang thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương cho nên dù công việc có đặc thù đến đâu thì cũng phải nằm trong mặt bằng chung với các lực lượng khác trong xã hội.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá, các ý kiến trong hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 162 như: Đối tượng hưởng chính sách; chế độ cho lực lượng nữ...
Việt Nam hiện có 81 nữ quân nhân đang thực hiện nhiệm vụ GGHB, chiếm tỷ lệ cao 16,6% trong các đơn vị. Thứ trưởng kể lại chuyến công tác sang khu vực Abyei (UNISFA) hồi tháng 10/2022, khi ông chứng kiến những khó khăn vất vả mà sĩ quan Việt Nam gặp phải, đặc biệt với các nữ chiến sĩ.
Vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 162 để phù hợp với thực tế. Thứ trưởng giao cho tổ soạn thảo nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị cụ thể để trình lên cơ quan có thẩm quyền.