Cổng thông tin này là nơi phổ biến các quy định pháp luật, thủ tục hành chính, cơ chế ưu đãi đầu tư cũng như những điều cần lưu ý dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bộ trưởngTrương Minh Tuấn đối thoại với Hội Doanh nghiệp trẻ sáng 27/5. |
Chia sẻ tại cuộc đối thoại, trao đổi với Hội Doanh nghiệp trẻ sáng nay, 27/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ đã có kiến nghị với Chính phủ về giải pháp xây dựng các kênh thông tin, tuyên truyền, chẳng hạn như một cổng thông tin chuyên về khởi nghiệp để hỗ trợ các start-ups TT&TT.
Thông qua kênh này, các doanh nghiệp có thể dễ dàng nắm được những quy định pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, các thủ tục hành chính cần phải thực hiện, cũng như các thông tin về ưu đãi đầu tư liên quan đến khởi nghiệp.
Trước đó, Phó Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc cũng đã có những chia sẻ tâm huyết về phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam tại cuộc đối thoại. "Từ tinh thần khởi nghiệp cho đến ra được sản phẩm là một nấc. Sản phẩm đó có thương mại hóa được hay không lại là một nấc nữa. Các doanh nghiệp nhỏ có thế mạnh về khởi nghiệp, thanh niên Việt tiếp thu công nghệ rất nhanh, nhiều ý tưởng nhưng chưa đủ. Làm sao để các em có đủ tri thức, kinh nghiệm, ngoại ngữ, quản trị công ty thì lại là vai trò của đào tạo".
Ông Ngọc cũng phản ánh rằng, việc truyền thông về tinh thần khởi nghiệp, về những tấm gương khởi nghiệp thành công tới giới trẻ là rất cần thiết, vì nhiều bạn trẻ Việt Nam rất thông minh, có nhiều ý tưởng từ rất sớm nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
"Khi chúng ta tham gia nền kinh tế số của thế giới - một nền kinh tế không giới hạn biên giới - thì vai trò của ngoại ngữ, quản trị lại càng quan trọng. Trong khi đó, chương trình đào tạo của chúng ta đang lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu. Đơn cử như FPT mỗi năm cần 3-4.000 lao động nhưng không bao giờ tuyển đủ, tuyển dụng xong lại phải đào tạo thêm rất nhiều mới làm việc được. Thực sự nhân lực là một nút thắt hiện nay", vị đại diện FPT nói thêm.
Bên cạnh nhân lực thì vốn đầu tư cũng là một khó khăn lớn cho các doanh nghiệp start-up. Bản thân Bộ TT&TT cũng đang cân nhắc các đề xuất về hình thức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn đầu tư, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
"Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên hình thành các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, tuy nhiên, Bộ TT&TT thấy rằng theo thông lệ quốc tế, việc đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp thường do các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thực hiện. Chỉ có họ mới có thể xác định được chính xác nhất cơ hội khi tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp", ông nói, không quên nhấn mạnh rằng vai trò của Chính phủ nên là tạo ra cơ chế pháp lý thông thoáng, môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp...
Đồng thời, việc cung cấp thông tin về các ý tưởng khởi nghiệp đến được với các nhà đầu tư, các Quỹ đầu tư mạo hiểm để họ xem xét rót vốn cũng rất quan trọng. "Để thực hiện được giải pháp này cần sự chủ động của các doanh nghiệp cũng như sự phối hợp, hỗ trợ kết nối của các hiệp hội, trong đó có Hội Doanh nhân trẻ VN", Bộ trưởng kết luận.
Có thể nói, khởi nghiệp đang là một chủ trương lớn của Chính phủ, thể hiện ở việc năm 2016 được chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của các cuyên gia, để khởi nghiệp không chỉ dừng ở khẩu hiệu phong trào mà thực sự đạt được kết quả, Chính phủ cần tạo được một môi trường thuận lợi cho start-up, hình thành các vườn ươm công nghệ cũng như hỗ trợ, xúc tiến việc kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn cho các công ty khởi nghiệp...
T.C