Cú sốc trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới và những rủi ro sau sự kiện người dân Anh quyết định chọn rời EU (Brexit) đang tiềm ẩn một cuộc chiến tiền tệ mới mà có thể ảnh hưởng mạnh tới chính sách của các nước, trong đó có Việt Nam. Những lần biến động này luôn khiến giới đầu cơ mất ngủ vì nguy cơ mất tiền tỷ.


Thế giới chao đảo

Tại buổi Đối thoại chính sách đầu tư 2016 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong dài hạn, việc Anh rời EU có những ảnh hưởng mang tính gián tiếp đến Việt Nam. Ví dụ như tác động đến giá trị đồng tiền các nước, trong khi các nước đó lại là bạn hàng lớn về thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Trên thực tế, cú sốc Brexit đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường tài chính tiền tệ thế giới những ngày vừa qua.

Phiên giao dịch ngày 24/6 được ví như một “ngày thứ Sáu đen tối”. TTCK toàn cầu rúng động, ước tính hơn 2.000 tỷ USD đã bốc hơi. Đồng bảng Anh giảm gần 10% xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 3 thập kỷ và tiếp tục đà giảm. Ba ngày sau, 1 bảng Anh (GBP) chỉ còn đổi được 1,3 USD. So với Yên Nhật, GBP thậm chí còn giảm tới gần 15%. Trong một dự báo gần đây, Ngân hàng Bank of England cho rằng, Brexit có thể khiến GBP giảm 20%, còn Bộ Tài chính Anh dự báo mức độ giảm là 12%. 

{keywords}
Thế giới chao đảo sau quyết định của người dân Anh chọn Brexit.

Theo hãng tin Bloomberg, top 400 người giàu nhất thế giới đã mất 127,4 tỷ USD trong ngày 24/6. Còn tỷ phú đầu cơ nổi tiếng George Soros cảnh báo việc Anh rời EU sẽ khiến khối này đứng trước nguy cơ tan rã. Soros cho rằng, tác động của Brexit lên nền kinh tế Anh có thể ngang ngửa với những gì mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã gây ra cho nước này.

CTCK Sài Gòn (SSI) nhận xét, quyết định của người dân Anh đã khiến tất cả mọi thứ, từ các chỉ số chứng khoán, đồng bảng Anh, euro cho tới giá các loại hàng hóa (trừ vàng) giảm mạnh, xóa sạch thành quả của những tháng đầu năm 2016.

Về ngắn hạn, theo Bộ trưởng Dũng, việc nước Anh rời EU chưa tác động ngay đến kinh tế Việt Nam.

Trên thực tế, tỷ giá USD/VND không có nhiều biến động trên các thị trường trong vài ngày qua. Thị trường tài chính có chăng là chứng kiến nhiều cổ phiếu giảm mạnh và vàng tăng mạnh. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, Brexit tiềm ẩn những rủi ro rất lớn.

{keywords}
Đồng Bảng Anh giảm mạnh so với USD, Yên.

Cuộc đua phá giá đồng tiền: Vòng xoáy khốc liệt?

Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, sự kiện Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỷ giá. Việc đồng EUR, GBP mất giá sẽ tạo ra bất lợi đối với đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn vào thị trường EU khi giá cả tương đối của các hàng hóa vào EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Bên cạnh đó, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế châu Âu theo sau sự kiện Brexit kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU.

Theo tính toán của SSI, từ đầu năm tới thời điểm kết thúc trưng cầu Brexit, đồng VND tăng 0,78% so với USD, 9,92% so với GBP, 2,58% so với NDT của Trung Quốc.

{keywords}
Biến động của VND so với một số ngoại tệ, tính từ đầu năm tới nay.

Trong khi đó, sự giảm giá mạnh so với đồng Yên Nhật (-17,52%) lại gây ra nỗi lo về nợ nần gia tăng do nợ nước ngoài bằng đồng Yên chiếm từ 1/3 cho tới 40% tổng nợ nước ngoài.

Tuy nhiên, SSI cho rằng, điều đáng lo ngại là sau Brexit, nhiều ngân hàng trung ương các nước sẽ bơm tiền ra thị trường, nâng thanh khoản cho các thị trường bởi đây cũng là biện pháp để đáp ứng với mục tiêu hạ lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng.

Trên thực tế, các nước châu Á đã và đang thực hiện các bước đi nhằm bình ổn thị trường tài chính. Cú tăng giá mạnh của đồng Yên đã khiến Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu Bộ Tài chính nước này thực hiện các bước đi bình ổn thị trường tiền tệ.

Ngay sau cú sốc Brexit, Ngân hàng TW Trung Quốc đã có động thái can thiệp mạnh đối với đồng NDT khiến đồng tiền này xuống mức thấp nhất 5,5 năm qua so với USD.

Trước đó, thị trường tiền tệ thế giới đã từng chao đảo sau khi Trung Quốc liên tục phá giá đồng NDT theo một cơ chế quản lý mới, từ neo buộc sang thả nổi có điều chỉnh so với đồng USD của Mỹ hồi giữa tháng 8/2015

{keywords}
Đồng NDT giảm mạnh so với USD. Rủi ro còn đến từ Trung Quốc.

Hàng loạt các đồng tiền trong khu vực đã ngay lập tức lao dốc. Hàng Việt cũng gặp khó trên mọi mặt trận. Nông lâm thủy sản Việt xuất khẩu, trong đó có gạo bị ép giá, phá vỡ hợp đồng. DN Trung Quốc còn ép giá gạo Việt để bù lại phần thâm hụt khi chuyển đổi từ NDT sang USD.

Sau cú sốc bất ổn đồng NDT, đồng euro cũng giảm mạnh khiến hàng loạt DN thủy sản VN vào châu Âu giá tăng vọt. Xuất khẩu thủy sản cả nước tụt giảm, cả năm 2015 chỉ đạt 6,72 tỷ USD, giảm hơn 14% so với năm trước.

Nếu Brexit thực sự xảy ra, ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCK SSI, cho rằng trong ngắn hạn thị trường tài chính toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, nhưng trung hạn sẽ tự ổn định lại.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng nhận định, Brexit gây bất ngờ cho thị trường tài chính toàn cầu nhưng bà tin rằng, tình trạng hoảng loạn không xảy ra và thị trường vẫn trong tầm kiểm soát. Còn một chuyên gia thuộc JPMorgan Chase dự đoán, Brexit không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính với quy mô lớn như cú sốc Lehman diễn ra vào năm 2008.

V. Hà