Việt Nam cần phát triển các hệ thống đèn đường thông minh

Chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam vừa được tổ chức mới đây, theo ông Alexander Nash - Chuyên gia về Phát triển Đô thị, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đến năm 2030, sẽ có khoảng 46 triệu người dân Việt Nam sống tại các đô thị. 

Vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam có thể phát triển các đô thị thông minh nhằm giải quyết nhiều vấn đề phát sinh do sự tăng trưởng nóng của các đô thị. 

Tỷ lệ dân cư đô thị tại Việt Nam theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. 

Lấy một ví dụ, ông Alexander Nash cho biết các đường phố tại Việt Nam chủ yếu sử dụng đèn chiếu sáng thông thường (chiếm 70%). Nếu chuyển sang các hệ thống chiếu sáng thông minh, Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm khoảng 60% năng lượng đang dùng cho chiếu sáng công cộng. 

Hiện thành phố Hà Giang đã thực hiện một dự án chiếu sáng thông minh với số vốn được tài trợ đầu tư khoảng 2 triệu USD. Một dự án chiếu sáng thông minh sử dụng vốn tài trợ không hoàn lại khác cũng đang được lên kế hoạch triển khai tại thành phố Hội An (Quảng Nam).

Alexander Nash - Chuyên gia về Phát triển Đô thị, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Theo đánh giá của ADB, các dự án thành phố thông minh và tiết kiệm năng lượng được quy hoạch tại Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lâm Đồng, Quảng Nam và Quảng Ninh nếu được đầu tư có thể giúp tiết kiệm 69 kWh điện mỗi năm, tương đương 6,2 triệu USD mỗi năm chỉ tính riêng cho đèn đường công cộng. 

Để làm được điều đó, hơn 188.000 đèn đường truyền thống tại các đô thị này sẽ phải thay thế bằng đèn LED và hệ thống điều khiển thông minh. Bên cạnh đó, cần lắp đặt khoảng 2.700 cột đèn thông minh với các tính năng camera giám sát, Wi-Fi, tích hợp cảm biến giám sát môi trường,...

Việc phát triển hệ thống chiếu sáng thông minh cũng đồng nghĩa với việc các thành phố cần đầu tư vào hạ tầng liên kết và lắp đặt trung tâm điều hành việc chiếu sáng công cộng. 

Xu hướng logistic xanh trong thành phố thông minh

Chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho rằng, nếu mở một ứng dụng theo dõi chất lượng không khí (AQI), chỉ số này tại các đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM thường xuyên ở mức trên 100. 

Trong khi đó, chỉ số này chỉ ở mức 7-8 tại Hàn Quốc hoặc lớn hơn một chút là 12 tại Australia. Điều này cho thấy, ô nhiễm môi trường đang là một vấn đề đáng báo động ở Việt Nam, ông Long nói. 

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Viettel Post cho rằng logistic là một trong những ngành gây tác động lớn nhất đến môi trường. 

Là một doanh nghiệp nhiều năm kinh doanh trong ngành logistic, theo Phó Tổng Giám đốc Viettel Post, đây là một trong những ngành gây tác động lớn nhất đến môi trường. Điều này đã được chứng minh trong nhiều báo cáo của Agility.

Ngành logistic chủ yếu liên quan đến lĩnh vực vận tải, dù là đường bộ, đường thủy hay đường hàng không, điều này cũng sẽ góp phần làm tăng lượng khí thải CO2 trong bầu không khí. 

Hoạt động vận chuyển hàng hóa chiếm khoảng 8% lượng khí thải CO2 và chiếm 5,5% lượng khí thải nói chung trên toàn thế giới. Do vậy, theo ông Long, để phát triển các đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam, việc phải duy trì các giải pháp logistic xanh là cực kỳ quan trọng. 

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, doanh nghiệp này đã và đang hướng tới xây dựng nền tảng logistics xanh ngay từ trong chính quy trình vận hành để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, Viettel Post đã xây dựng mô hình “bưu cục di động” nhằm cắt giảm các khâu trung gian, giao nhiều đơn hàng trong cùng 1 chặng. Bên cạnh đó, công ty chuyển phát này cũng sáng tạo ra hình thức giao nhận hàng mới thông qua tủ đồ smart lock. Điều này sẽ giúp hạn chế tần suất hoạt động của các xe giao hàng, từ đó giảm lượng khí thải ra môi trường.

Các giải pháp logistic xanh đang là một xu hướng trên thế giới nhằm chuyển đổi số hoạt động chuyển phát, giảm phát thải ra môi trường. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, việc tận dụng nguồn lực xã hội để giải quyết tình trạng xe chạy rỗng một chiều sẽ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tiết kiệm nhiên liệu. 

Ngoài ra, việc hạn chế luân chuyển hàng hóa sẽ góp phần tiết giảm chất thải nilong bọc bưu gửi. Việc sử dụng các nguyên liệu tái chế trong đóng gói bưu phẩm cũng giúp giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường. 

Nhiều doanh nghiệp logistic khổng lồ trên thế giới như Kuehne, FedEx Express, DHL đều đã theo đuổi những mô hình logistic xanh nhằm giảm thiểu việc tác động tới biến đổi khí hậu. Đây cũng là xu hướng mà các doanh nghiệp nội nên hướng tới để đóng góp vào quá trình xây dựng các đô thị thông minh, phát triển bền vững tại Việt Nam. 

Trọng Đạt