Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường ĐH Ngoại thương giai đoạn 2015 – 2017.

Mục tiêu chung của đề án này là Trường ĐH Ngoại thương chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, đổi mới hệ thống quản trị theo hướng hiện đại, bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hướng tới mục tiêu chiến lược phát triển trường đến năm 2030 thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu có chất lượng và uy tín trong khu vực và thế giới; bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập tại trường.

{keywords}

Trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nội dung: Thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; về tổ chức bộ máy, nhân sự; Về tài chính; Chính sách học bổng, học phí; Về đầu tư, mua sắm và về cơ chế giám sát.

Cụ thể, trường được tự chủ trong việc quyết định mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường; Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định; Quyết định liên kết đào tạo…

Về học phí, kế hoạch thu học phí tối đa (của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy) như sau: Năm học 2014 – 2015 là 13 triệu đồng; Năm 2015 – 2016 là 14,5 triệu đồng; Năm học 2016 – 2017 là 16 triệu đồng.

Trường thực hiện tính toán công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh.

Trường quyết dịnh mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần, thạc sĩ bằng 1,5 lần, cao đẳng bằng 0,8 lần mức học phí tối đa nêu trên.

Học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.

Đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, trường thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ thời điểm quyết định có hiệu lực thi hành.

Sau khi thực hiện bù đắp các chi phí thường xuyên, phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại của trường được trích lập các quỹ sau: Quỹ phát triển các hoạt động sự nghiệp (tối thiểu 25% chênh lệch thu chi), Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và các quỹ hỗ trợ sinh viên.

Khoản thu học phí và các khoản thu sự nghiệp được gửi tại ngân hàng thương mại, toàn bộ tiền lãi từ tiền gửi ngân hàng được sử dụng để lập các quỹ hỗ trợ sinh viên.

Trường hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của trường với mức học phí được miễn giảm theo quy định của Nhà nước đối với sinh viên thuộc các đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định kể từ khóa tuyển sinh sau thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành.

Ngân Anh