- Ngoài câu chuyện về vốn, thiết kế mẫu tàu... tại Hội nghị toàn quốc về tình hình triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, rất nhiều các địa phương đưa ra kiến nghị rằng khi đóng tàu mới nên cho các chủ tàu được lắp máy cũ để sử dụng nhằm giảm bớt chi phí.

Tại Hội nghị, ông Phạm Trường Thọ, Phí chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận định rằng Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 của chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chính sách tốt, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân và góp phần vào việc phát triển thủy sản theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, trong qua trình thực hiện, đa số người dân đều đưa ra ý kiến rằng tàu vỏ gỗ khi đóng nên cho ngư dân mua máy cũ về lắp.

Vị đại diện này dẫn chứng, hiện nay các tàu vỏ gỗ ở tỉnh đều sử dụng máy cũ, máy đều có hóa đơn chứng từ và máy cũ hiện có giá thành rẻ hơn từ 1/2-1/3 so với máy mới. Theo đó, vị đại diện này kiến nghị rằng đối với tàu vỏ gỗ đóng mới cho phép lắp máy cũ vẫn còn tốt, đảm bảo còn 80% về chất lượng để giảm bớt vấn đề trả nợ của bà con.

Tương tự, các tỉnh khác như Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định cũng kiến nghị khi đóng mới tàu cho ngư dân được lắp máy cũ để giảm chi phí đầu tư cho bà con ngư dân.

{keywords}

Nhiều địa phương đề nghị khi đóng tàu mới cho phép bà con ngư dân được lắp máy cũ để giảm bớt chi phí đầu tư

Trong khi đó, đại diện tỉnh Quảng Ninh thì lại cho rằng không nên sử dụng máy cũ khi đóng tàu mới, bởi máy móc cũ khi mua về không thể kiểm soát được chất lượng và nếu cứ cho nhập máy móc cũ về để lắp vào tàu mới thì Việt Nam không cẩn thận sẽ là bãi rác.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, trong khi xây dựng Nghị định 67, Bộ có quy định đối với các tàu đóng mới phải sử dụng máy mới 100% là bởi máy cũ thì khó xác định được tỷ lệ, các địa phương nói là nhập máy cũ tỷ lệ 80%, vậy lấy cơ sở nào để xác định được tỷ lệ đó, chưa nói đến vấn đề máy cũ thay rất nhiều bộ phận và vấn đề thẩm định cũng không hề đơn giản.

Còn một điều nữa là máy cũ là máy của ô tô chạy trên bộ khi lắp xuống tàu thủy, tàu cá thì không hợp lắm vì tàu thủy thì phải lắp máy thủy. Thứ nữa, khi ra khơi đánh bắt, nhỡ may chết máy mà gặp sóng cấp 5-6 thì nguy cơ tàu bị chìm rất cao.

Thương dân, thấy người dân nghèo thì cho sắm máy cũ để giảm bớt chi phí nhưng thực tế là rủi ro rất lớn, đã có rất nhiều tàu chết máy, gặp sóng cấp 5-6 không điều khiến được, tự trôi rồi chìm, lúc đó thiệt hại còn lớn hơn nhiều tiền mua máy mới. Mặt khác, dân thường mua máy cũ qua thương lái, qua đầu nậu, không biết thương lái như thế nào nên người chịu khổ cũng là dân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Chiến lược biển Việt Nam được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết thông qua, khẳng định việc khai thác các nguồn lợi thuỷ sản trên biển để xây dựng đất nước ta mạnh về biển, giàu về biển. Chính phủ ban hành Nghị định 67 với mục tiêu xuyên suốt là khuyến khích ngư dân bám biển, trên cơ sở đó tổ chức lại nghề cá hay tái cơ cấu ngành thuỷ sản, khuyến khích đóng tàu lớn, nhưng phải vững chắc, để có thể khai thác xa bờ đúng với lợi thế từng địa phương. Nghị định góp phần giúp ngư dân ổn định sản xuất, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, và giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu của Nghị quyết 67 để thiết kế chính sách, kiến nghị các giải pháp phù hợp để thực hiện ngay. Còn về vấn đề đóng tàu mới nhưng lắp máy cũ, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng vấn đề này cần phải bàn thêm bởi nhiều khi máy cũ nhưng sử dụng vẫn rất tốt. “Trước kia mình xe máy mình vẫn mua xe máy cũ mà chạy ầm ầm”, Phó thủ tướng dẫn chứng.

Tuy nhiên việc sử dụng máy cũ cũng có nhiều mặt trái, có thể gặp nhiều rủi ro cho ngư dân khi đi biển đánh bắt. Phó thủ tướng cho rằng cần phải bàn bạc kỹ hơn không chỉ riêng mới máy móc mà cả các thiết bị khác trên tàu.

8 tháng đóng mới, nâng cấp được 31 tàu

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sau hơn 8 tháng triển khai thực hiện Nghị định 67, đến nay có 23/28 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới 628 tàu. Tính đến ngày 24/4/2015, các ngân hàng thương mại đã nhận được 157 bộ hồ sơ của chủ tàu tại 17/23 tỉnh, thành phố, ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp 31 tàu với tổng số tiền là hơn 270 tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại cũng từ chối 2 hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu do chủ tàu sử dụng máy cũ để nâng cấp tàu (Bình Thuận) và một chủ tàu không chứng minh được khả năng trả nợ (Quảng Ngãi).

Bảo Hân