Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, hiện tại, TP ghi nhận 24.941 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 216% với cùng kỳ năm 2021. Toàn thành phố đang có 373 ca bệnh nặng.

Riêng trong tuần 27, TP tăng thêm hơn 300 ca bệnh và 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết, thêm 143 ổ dịch mới phát sinh. Hai trường hợp tử vong mới ghi nhận tại quận Gò Vấp và quận Bình Tân. Như vậy, từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 13 ca tử vong vì sốt xuất huyết. 

Bệnh nhi sốt xuất huyết nguy kịch tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.

Trước đó, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cảnh báo, TP đang đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch khi sốt xuất huyết bùng phát, dịch Covid-19 có nguy cơ quay trở lại.

Dự báo, sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng cao, đạt đỉnh trong khoảng tháng 9 và 10. Khi số ca mắc tăng, tỷ lệ ca nặng cũng tăng theo. Nguy cơ quá tải đã hiện hữu tại các bệnh viện tuyến đầu. Đặc biệt, thai phụ và trẻ béo phì thuộc nhóm nguy cơ chuyển nặng khi mắc sốt xuất huyết. 

Sở Y tế TP.HCM cho biết, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh là cắt đứt đường lây truyền bệnh thông qua việc diệt muỗi, diệt lăng quăng. Một số ít quốc gia sử dụng vắc xin sốt xuất huyết nhưng hiệu quả chưa cao. 

Hiện nay, người dân có thể chụp ảnh, quay video clip, nhắn tin có địa chỉ cụ thể những nơi nhiều muỗi, ổ lăng quăng gửi về Sở Y tế theo ứng dụng Y tế trực tuyến. Sở Y tế sẽ xác nhận và chuyển ngay thông tin đến chính quyền địa phương để xử lý theo quy định. 

Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp bách nhằm làm giảm nhanh số lượng muỗi trưởng thành. Hết thời gian hóa chất tồn tại trong không gian, lứa muỗi mới lại tiếp tục phát triển, truyền bệnh. 

Những đồ vật như lu, hồ, phuy, thùng… trữ nước sinh hoạt nhưng không được đậy kín; bình hoa, đế lót chậu cảnh, chén nước cúng trên bàn thờ; vỏ xe, chai lọ, thùng xốp, ly nhựa... chỉ cần mưa xuống sẽ trở thành nơi sinh sản của muỗi. 

Ngành y tế khuyến cáo, mỗi hộ gia đình dành ít nhất 15 phút mỗi tuần để vệ sinh nhà cửa, không để bất cứ vật chứa nước nào trong và xung quanh nhà tạo điều kiện cho lăng quăng sinh sống, giữ nhà cửa thoáng mát, không tạo điều kiện cho muỗi trú ẩn.

TP.HCM ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ hai

TP.HCM ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ hai

Trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ hai là một phụ nữ 38 tuổi, thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, du lịch tại Dubai. Người này có thời gian ở chung với ca bệnh đầu tiên.