Đối tượng nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết Dengue nặng

 Điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hoài - Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ, trong những ngày đầu mắc sốt xuất huyết, bệnh thường có triệu chứng giống với nhiều loại bệnh do vi rút khác như cúm A, Covid-19…

Vì vậy người bệnh khó phát hiện, dễ bị nhầm lẫn và bỏ sót chẩn đoán, dẫn tới không được điều trị kịp thời, khiến bệnh diễn biến nặng, có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết rất đa dạng, từ nhiễm không triệu chứng, mức độ nhẹ cho đến mức độ nặng và nguy kịch, thậm chí tử vong.

Một bệnh nhi sốt xuất huyết nặng tại TP.HCM. Ảnh: VietNamNet

Ở mức độ nhẹ, người bệnh sốt cao liên tục kéo dài từ 2 đến 7 ngày, mệt mỏi nhiều kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, đau nhức hốc mắt, đau mỏi cơ và khớp, nổi ban dát sẩn hoặc ban xuất huyết ngoài da…

Người bệnh có thể theo dõi, điều trị ngoại trú tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, chườm mát, uống Paracetamol hạ sốt khi sốt cao, uống nhiều nước oresol hoặc nước hoa quả, nâng cao sức đề kháng bằng các loại vitamin và tăng cường dinh dưỡng hợp lý.

Ở mức độ vừa, người bệnh có các dấu hiệu cảnh báo như: vật vã hoặc li bì, lừ đừ, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ban xuất huyết nhiều ngoài da, nôn ói nhiều, đau bụng, gan to, tiểu chảy, nước tiểu ít sẫm màu, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu giảm nhanh, hồng cầu và hematocrit tăng cao. Các dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh không được chần chừ, cần nhập viện ngay.

Ở mức độ nặng, người bệnh cần được theo dõi, điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Các dấu hiệu của xuất huyết Dengue nặng bao gồm sốc tụt huyết áp; tràn dịch đa màng như màng tim, màng phổi, màng bụng; rối loạn đông máu gây xuất huyết nặng toàn thân như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, ho ra máu, đái ra máu, máu tụ lớn trong các khối cơ; suy chức năng đa cơ quan như suy hô hấp, suy tim, suy gan, suy thận, có thể dẫn đến tử vong.

Điều dưỡng Nguyễn Thu Hoài cũng thông tin những người có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết Dengue nặng bao gồm trẻ em (đặc biệt là trẻ em dưới 1 tuổi), phụ nữ có thai, người già, người béo phì, người suy giảm miễn dịch). Ngoài ra, cũng cần rất lưu tâm đến nhóm người có nguy cơ bị chảy máu nặng gồm: người đang dùng thuốc chống đông máu, người có bệnh lý về máu, kháng kết tập tiểu cầu, người có viêm loét dạ dày, tá tràng…

Những sai lầm khiến bệnh trở nặng, thậm chí tử vong

BS Nguyễn Thị Hiệp- Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng chỉ ra những sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân nhiễm virus Dengue trở nặng thậm chí tử vong.

Sai lầm 1: Chủ quan không đi khám bệnh 

Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng. 

Đối với sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

 Sai lầm 2: Hết sốt là khỏi bệnh

Sự thực là sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam…

Tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao và bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.

 Sai lầm 3: Chỉ mắc bệnh 1 lần trong đời

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 týp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. vì vậy có thể hiểu rằng một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau.

Làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết?

Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp. 

Trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:

- Nằm nghỉ ngơi.

- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch oresol, nước trái cây càng tốt; duy trì 1500-2500ml nước/ngày.

- Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu, đồng thời chườm mát cho người bệnh.

- Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều, cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.

- Nếu không có diễn biến bất thường cũng cần đến khám lại theo hẹn của bác sĩ.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong tuần (từ ngày 7 đến 14/10), cả nước ghi nhận 9.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương.

Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, có 102 trường hợp tử vong (tăng 81 trường hợp tử vong so với năm ngoái).