Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặc biệt tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo trước đó của NHNN về miễn giảm phí cơ cấu lại nợ... đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh; mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với DN; đẩy mạnh giám sát triển khai việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi...; công khai các gói sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ khách hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

Cụ thể, các TCTD chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết theo diễn biến của dịch bệnh nhằm mục tiêu đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống. Đồng thời, tăng cường cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử.

Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các TCTD trực tiếp chỉ đạo việc triển khai công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN về kết quả thực hiện.

{keywords}
NHNN công bố các giải pháp cấp bách để đối phó khủng hoảng do dịch Covid-19.

Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngân hàng chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Lãnh đạo ngân hàng chịu trách nhiệm toàn diện trước Thống đốc NHNN về việc thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chủ trương, chính sách và các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm phòng, chống, khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh.

NHNN sẽ kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong triển khai hoặc vi phạm các quy định hiện hành.

Thời gian qua, nhiều giải pháp chính sách được triển khai như: điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giảm đồng thời các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, miễn, giảm phí thanh toán, bước đầu tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Trong chỉ thị mới, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, toàn ngành ngân hàng tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng là loại hình dịch vụ, phục vụ doanh nghiệp và người dân nhiều nhu cầu thiết yếu về tiền mặt và thanh toán nên vẫn phải bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở để đáp ứng yêu cầu đó.

Đó là hoạt động cung ứng tiền mặt và hệ thống thanh toán trong nền kinh tế vẫn phải được NHNN duy trì, đáp ứng đầy đủ cho lưu thông, đảm bảo thông suốt mạch máu của nền kinh tế. Đối với các NHTM, mọi hoạt động giao dịch thiết yếu như gửi tiền, rút tiền, thanh toán chuyển tiền, các hoạt động dịch vụ ngân hàng trực tuyến online, máy ATM vẫn được bố trí phục vụ bình thường trong 15 ngày tới.

Chúng tôi cũng giao cho lãnh đạo các NHTM thông báo với chính quyền địa phương để cho phép các chi nhánh, các phòng giao dịch được mở cửa hoạt động bình thường. Vì vậy, doanh nghiệp và người dân không nhất thiết phải rút tiền để dự phòng trong thời gian cách ly toàn xã hội mà vẫn thực hiện các dịch vụ tiền mặt thanh toán khi có nhu cầu cần thiết.

{keywords}
 

M. Hà