Điểm chuẩn khối C00 lên tới 29,3

Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, điểm chuẩn khối C00, ngành Báo chí cao nhất với mức 28,88; tiếp đến là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành 28,33 điểm; ngành Văn hóa học 28,2 điểm; ngành Nghệ thuật học 28,15 điểm và ngành Lịch sử 28,1 điểm.

Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, điểm chuẩn khối C00 của ngành Sư phạm Ngữ văn là 28,6; Sư phạm Lịch sử 28,6; Sư phạm Địa lý 28,37; Tâm lý học 27,1…

Theo ghi nhận tại Trường Đại học Sài Gòn, điểm khối C00 ngành Sư phạm Ngữ văn là 28,11; Sư phạm Lịch sử 28,25; Sư phạm Địa lý 27,91; Sư phạm Lịch sử - Địa lý (đào tạo giáo viên THCS) là 27,35...

Điểm chuẩn Trường Đại học Luật TPHCM cao nhất là 27,27 thuộc về ngành Luật, xét khối C00. 

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn khối C00 ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử đều 29,3; Sư phạm Địa lý 29,05.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, điểm chuẩn ngành Quan hệ công chúng khối C00 là 29,1; ngành Hàn Quốc học 29,05; ngành Báo chí 29,03.

Học viện Ngoại giao có điểm chuẩn ngành Trung Quốc khối C00 là 29,2; Truyền thông quốc tế 29,05; Quan hệ quốc tế 28,76 điểm; ngành Nhật Bản học 28,73; Hoa Kỳ học và Luật quốc tế đều 28,55; Hàn Quốc học 28,83…

Rất nhiều ngành, nhiều trường khác có điểm khối C00 cao như Trường ĐH Văn hoá TPHCM, Trường ĐH Văn hoá Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền…

Vì sao điểm chuẩn khối C00 cao?

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TPHCM, cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn tới điểm chuẩn khối C00 cao ngất ngưởng. Đầu tiên là đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái, đặc biệt là môn Ngữ văn và môn Lịch sử, dẫn đến điểm các môn thuộc khối C00 cao hơn.

Năm nay, có 704.024 thí sinh thi khối C00, nhiều hơn năm 2023 là 22.301 thí sinh. Điểm trung bình khối C00 là 20,95, cao hơn năm 2023 là 1,98 điểm. Điểm trung vị là 21,25, cao hơn năm 2023 là 2,25 điểm. Có 42.154 thí sinh đạt điểm khối C00 từ 27 trở lên. Trong đó, số thí sinh có điểm từ 28 trở lên là 18.500, có điểm từ 29 trở lên là 5.172. 

Lý do thứ hai, theo ông Sơn, là hiện nay các trường xét tuyển bằng khối C00 đã ít hơn trước. “Khi cung quá lớn, còn cầu ít đi thì điểm chuẩn cao là lẽ đương nhiên. Hiện nay đa số các trường đại học đã tuyển khối có môn Tiếng Anh để phục vụ cho việc đào tạo cũng như cơ hội nghề nghiệp của sinh viên sau này”, ông Sơn nhận định. 

thí sinh
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Nguyễn Huế)

Lý do thứ ba, năm nay số thí sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội (Văn, Lịch sử và Địa lý) để dự thi tốt nghiệp THPT rất nhiều. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 63% thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội trong số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

TS Huỳnh Trung Phong, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, đưa ra nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn khối C00 tăng và cao. Đầu tiên là phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 cao hơn so với năm 2023 và những năm gần đây. Đặc biệt, phổ điểm xét tuyển các khối ngành xã hội mà chủ yếu là khối C00 tăng nhiều. 

Thứ hai, do điểm thi cao nên lượng thí sinh xét tuyển bằng khối C00 năm nay cũng rất nhiều. “Chẳng hạn tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển là 31.252, tăng 100% so với năm 2023 (với số thí sinh là 15.596). Trong khi đó, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường là 51.625, so với năm 2023 là 23.345, tăng 120%. Khi nguyện vọng nhiều, thí sinh đăng ký đông, nhà trường có nhiều sự lựa chọn, chắc chắn điểm chuẩn sẽ cao. Trong khi đó, chỉ tiêu của các trường gần như tăng rất ít, thậm chí không tăng”, ông Phong nêu.

Ngoài ra, điểm chuẩn khối C00 tăng do có một số lượng thí sinh đã trúng tuyển sớm bằng các phương thức xét tuyển khác. Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, số lượng thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định của trường và ưu tiên trúng tuyển theo quy chế của Bộ GD-ĐT khá nhiều, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là con số cố định. Khi phương thức này đã đạt tối đa thì phương thức khác sẽ ít hơn. Chỉ tiêu còn lại cho điểm thi tốt nghiệp còn ít hơn, dẫn tới mức điểm chuẩn sẽ cao.

Đồng ý với quan điểm này, PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng việc đề thi dễ (để xét tốt nghiệp), điểm thi cao dẫn đến điểm chuẩn cao là điều thấy rõ. Hiện nay bài thi của địa phương nào do địa phương đó tự chấm nên ít nhiều có sự nâng đỡ, và thực tế ở một số địa phương có rất nhiều thí sinh đạt điểm 9 môn Ngữ văn.  Ngoài ra, với việc xét tuyển theo học bạ, đánh giá năng lực, điểm Anh văn quốc tế… không có hệ thống lọc ảo nên đa số các trường đại học đều công nhận xét tuyển sớm số lượng cao gấp 3-5 lần so với chỉ tiêu. Hậu quả là chỉ tiêu dành cho xét điểm thi THPT còn rất ít, đẩy điểm chuẩn lên cao. 

Điểm thi cao vẫn bị rớt đại học, liệu có bất công? 

TS Huỳnh Trung Phong cho rằng nếu nói bất công ở đây là không hẳn đúng, bởi các trường không thể tuỳ tiện lấy chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm. Nhà trường phải tuân thủ các quy định của Bộ GD-ĐT về số lượng chỉ tiêu đã được công bố trong đề án tuyển sinh từ năm trước đó.

thí sinh
(Ảnh: Nguyễn Huế)

“Số lượng trúng tuyển sớm đã đạt mức kịch khung theo quy định. Chẳng hạn như quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm 40%, nhưng trước đây thường không tuyển đủ số này, còn hiện nay thì nhiều thí sinh nộp hồ sơ và đủ điều kiện nên trường lấy đủ số lượng đã quy định. Điều này ảnh hưởng đến tỷ lệ % chỉ tiêu xét từ tốt nghiệp, chứ không phải các trường muốn làm gì là làm, vì thế việc này không bất công cho thí sinh”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, điểm chuẩn cao là một tín hiệu tích cực khi thể hiện ngành học nào đó đang được quan tâm và chất lượng nguồn nhân lực cao, có cơ hội tốt khi học, ra trường. Tuy nhiên, cũng cần xem xét phương thức phù hợp cho việc tuyển sinh, khi năm 2025 lứa học sinh đầu tiên học Chương trình 2018 thi tốt nghiệp xét tuyển đại học. Cần có những thay đổi để tuyển sinh phù hợp, các trường tuyển đúng người và tất cả thí sinh có sơ hội công bằng khi chọn trường học, ngành học. Ngoài ra, việc thiết kế chương trình đào tạo phải phù hợp, phát huy được năng lực đầu vào để có năng lực đầu ra tốt, có nguồn nhân lực chất lượng cao. 

PGS Đỗ Văn Dũng, Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, nhiều năm nay ông đã rất trăn trở về sự bất công cho thí sinh trong xét tuyển đại học. Đầu tiên, việc này tạo ra sự chênh lệch về đầu vào rất lớn, gây khó khăn trong việc giảng dạy tại trường đại học. “Mấy năm rồi tham gia giảng dạy, tôi thấy chất lượng đầu vào khá chênh lệch vì sinh viên trúng tuyển theo xét học bạ dù đậu với điểm rất cao nhưng năng lực yếu. Có thầy giáo dạy ở một trường THPT thú nhận khi ghi điểm vào học bạ vì thương học sinh nên phải cộng thêm 3-5 điểm”, ông Dũng kể.

Thứ hai, điều này tạo ra sự bất công trong tuyển sinh khi khiến nhiều em ở những vùng khó khăn không có cơ hội vào đại học. Các em thường không có điều kiện để thi đánh giá năng lực hoặc lấy chứng chỉ Anh văn quốc tế, chỉ đăng ký xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT, trong khi đó số chỉ tiêu còn lại ít, đẩy điểm chuẩn cao. Đây là rào cản cho các em khi muốn tiếp cận giáo dục đại học, đổi đời.