Để thu hút người dân, Hà Nội nên nghiên cứu tính kết nối liên thông giữa các tuyến đường dành cho xe đạp, thiết kế mặt đường êm ái, cảnh quan xung quanh đẹp và thân thiện.
Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất tổ chức 2 tuyến đường dọc sông Tô Lịch và vỉa hè quanh công viên Hòa Bình - đường Hoàng Minh Thảo dành cho xe đạp. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đồng tình của cộng đồng.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (đơn vị duy nhất trên cả nước đang triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng) đánh giá, đây là một bước đột phá cho giao thông Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Dân thông tin, hiện nay cả nước có 105 điểm cho thuê xe đạp công cộng kết nối với các bến xe buýt, BRT, metro. Tổng cộng đã có hơn 1,1 triệu chuyến đi được thực hiện, trong đó đáng chú ý có 16,9% chuyến sử dụng để đi làm và 8,1% để đi học.
Hơn 402.000 chuyến đi xe đạp trong số này là đi/đến các điểm kết nối với xe buýt, BRT, metro, chiếm tỉ trọng 32,9% tổng số chuyến đi. Đã có hơn 84.000 người nước ngoài sử dụng, trải nghiệm xe đạp với hơn 156.100 chuyến tham quan.
Khẳng định người dân có nhu cầu đi xe đạp nhưng để tránh việc đường dành riêng cho xe đạp bị bỏ hoang, ông Dân cho rằng, khi cải tạo, xây mới hoặc ưu tiên đường riêng cho xe đạp, Hà Nội cần chú ý một số yếu tố:
Thứ nhất, mặt đường êm ái, màu đẹp giúp thân thiện với người đi xe đạp.
Thứ hai, cảnh quan xung quanh đẹp và thân thiện nhất.
Thứ ba, đường dễ kết nối với các mô hình giao thông xanh khác như: Đi bộ, xe buýt, metro, các bến xe đạp công cộng.
Thứ tư, cơ quan chức năng cần nghiên cứu tính kết nối liên thông giữa các tuyến đường dành cho xe đạp; xây dựng và lắp đặt các bảng chỉ dẫn giao thông hướng dẫn người đi xe đạp dễ dàng lưu thông.
Thứ năm, cơ quan chức năng cần sơn kẻ các ký hiệu hiển thị rõ các tuyến xe đạp, có đặc trưng dễ nhận diện.
Ngoài ra, muốn nhân rộng việc sử dụng xe đạp khi tham gia giao thông, chính quyền các cấp cũng nên chú trọng có đường riêng hoặc ưu tiên cho xe đạp làm sao đảm bảo giao thông cơ giới hiện hữu không bị ảnh hưởng lớn.
“Làm sao để người đi xe đạp có cảm giác đang được tôn trọng, thoải mái, hạnh phúc khi đi xe đạp lưu thông ở thành phố”, ông Dân nói.
Tiền đề phát triển mô hình di chuyển xanh
Bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương trên, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, đây là tiền đề khuyến khích người dân sử dụng xe đạp trong thành phố, trong đó có thể sử dụng xe đạp cá nhân hoặc dịch vụ xe đạp công cộng.
Ông Tạo kỳ vọng khi người dân chuyển từ sử dụng xe máy, xe ô tô sang xe đạp, các phương tiện công cộng thì tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại Thủ đô sẽ được cải thiện, sẽ xây dựng được thành phố xanh thân thiện với môi trường.
Với hai tuyến đường mà Hà Nội đề xuất triển khai thí điểm, ông Tạo cho rằng rất khả thi. Tuy nhiên, để nhân rộng cách thức tham gia giao thông bằng xe đạp, cần phát triển mạnh hơn nữa dịch vụ xe đạp công cộng.
“Cần có nghiên cứu đầy đủ hơn nữa về cách thức quản lý loại hình xe đạp công cộng để thuận tiện cho người sử dụng như: Mật độ các điểm cho thuê, mức phí cho thuê (tính theo thời gian hay cung đường)…
Tóm lại, chúng ta cần tạo thành một mạng lưới liên quan đến dịch vụ xe đạp, trong đó tập trung tại các bến xe bus, tàu điện trên cao, những cơ quan đông người, các trung tâm thương mại...", ông Tạo nói.
Bổ sung thêm ý kiến, ông Đỗ Bá Dân cho rằng, xe đạp công cộng là phương thức tối ưu di chuyển kết hợp, kết nối hiệu quả với phương tiện cá nhân và vận tải công cộng.
Để phát huy hiệu quả từ mô hình này, ông Dân đề xuất, cần phát triển đồng bộ các mô hình di chuyển xanh, gồm các mạng lưới: Metro, xe bus, xe đạp, xe scooter điện, phố đi bộ, đường dành cho người đi bộ, bãi đỗ xe, lòng đường, vỉa hè đỗ xe, mạng lưới vỉa hè cho thuê, thu phí nội bộ, bến metro cho thuê xe điện công cộng.
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai mạng lưới metro, bổ sung các trạm xe đạp, xe máy điện cho thuê tại các bến metro; tăng cường mạng lưới xe bus, bổ sung các trạm xe đạp tại các nhà chờ, điểm đỗ xe bus.
Đề xuất 2 tuyến đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội gồm:
Tuyến đường dọc sông Tô Lịch, đoạn từ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) đi quận Cầu Giấy dài 2,3km, rộng 4m, dự kiến được cải tạo thành làn đường dành cho xe đạp đi hai chiều rộng 3m; 1m dành cho người đi bộ.
Tuyến đường này kết nối với ga Láng của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và ga số 8 của metro Nhổn - ga Hà Nội.
Ngoài ra, tuyến đường sẽ tạo kết nối với các tuyến xe buýt trên đường Láng thông qua 6 trạm chờ. Các đơn vị liên quan sẽ bổ sung 6 trạm xe đạp công cộng dọc tuyến.
Tuyến đường thí điểm thứ hai là vỉa hè quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo, quận Bắc Từ Liêm. Tổng tuyến đường dành cho xe đạp khoảng 5,7km, trong đó khu vực đi trên hè quanh công viên Hòa Bình 1,8km, đi trên đường Hoàng Minh Thảo gần 4km.