Trước đây, khi chưa có các tàu dịch vụ thu mua hải sản, cung ứng xăng, dầu và các nhu yếu phẩm, phục vụ cho các tàu khai thác hải sản trên biển nên mỗi lần ra khơi khai thác hải sản, các ngư dân ở phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá) đều phải ra vào bờ liên tục, vì thế chi phí cho mỗi chuyến đi biển tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển các dịch vụ tàu biển, cứ khoảng 4 - 5 ngày lại có tàu ra ngư trường thu mua hải sản nên các ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển khai thác dài ngày, nhờ đó, chi phí cho mỗi chuyến đi biển giảm hẳn, hải sản bảo đảm chất lượng hơn.

Với lợi thế giáp biển, Hải Bình là phường có tiềm năng thế mạnh về phát triển kinh tế biển, chiếm tới 85% tỷ trọng kinh tế của địa phương. Hải Bình còn có cảng cá Lạch Bạng và nhiều cơ sở, doanh nghiệp tham gia hoạt động chế biến thủy sản trên địa bàn, nên những năm gần đây, ngư dân phường Hải Bình đã đầu tư phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. 

Phường Hải Bình hiện có khoảng 200 tàu cá, trong đó có hơn 70 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo việc làm cho khoảng 1.300 lao động, thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của phường Hải Bình thu mua hải sản trên biển khoảng 100 nghìn tấn cá cung cấp nguồn nguyên liệu cho hơn 30 cơ sở thu mua, chế biến trên địa bàn.

Tại thị xã Nghi Sơn hiện có khoảng 1.965 tàu cá khai thác, trong đó có khoảng 78 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, tập trung ở 2 phường là Hải Bình và Hải Thanh. Các tàu dịch vụ không chỉ thu mua sản phẩm trên biển mà còn chở xăng, dầu và các nhu yếu phẩm khác ra tiếp cho tàu cá giúp ngư dân tiết kiệm chi phí và kéo dài thời gian sản xuất trên biển. Hơn nữa, trong quá trình làm dịch vụ trên biển, các tàu còn hỗ trợ lẫn nhau khi gặp rủi ro về thiên tai hoặc hỏng máy trong quá trình khai thác.

W-Cảng cá Lạch Bạng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa 5 hậu cần nghề cá (used).JPG.jpg
Những năm gần đây, dịch vụ hậu nghề cá phát triển mạnh giúp các ngư dân Thanh Hoá yên tâm vươn khơi, bám biển...

Không chỉ ở Nghi Sơn, tại cảng cá Lạch Hới (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn), cứ vào buổi chiều hàng ngày, các thương lái và cơ sở chế biến đã chờ sẵn tại cảng để thu mua nguyên liệu từ tàu cập bến và cung cấp nguyên, nhiên liệu cho các tàu chuẩn bị ra khơi. Những năm gần đây, nghề dịch vụ hậu cần ở cảng cũng phát triển mạnh mẽ, nhộn nhịp, trở thành một trong những bến cảng, khu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất tại vùng biển Thanh Hoá.

Cảng cá Lạch Hới được xây dựng từ năm 2003, có khả năng tiếp nhận tàu từ 1.000 CV trở xuống, công suất bốc xếp đạt 400 tấn hải sản/ngày. Hàng năm, có khoảng 600 - 650 lượt tàu, thuyền vào đây neo đậu tránh trú bão và 3.000 lượt tàu vào neo đậu trong lúc không có bão, giúp ngư dân yên tâm sản xuất, vươn khơi bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa cho biết, năm 2023, tổng tàu cập và rời cảng Lạch Hới khoảng 1.114 lượt, trong đó tàu cập 455 lượt, tàu rời cảng 659 lượt. 9 tháng đầu năm 2024, tổng tàu cập cảng và rời cảng Lạch Hới là 859 lượt. 

Để bảo đảm hoạt động ra vào của tàu cũng như thuận lợi cho bốc dỡ sản phẩm hải sản, tỉnh đã chú trọng đến công tác khơi thông luồng lạch. TP Sầm Sơn cũng đã hình thành và kết nối được hệ thống dịch vụ hậu cần rộng khắp, với hơn 200 tàu dịch vụ thu mua và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, 35 cơ sở cung ứng đá lạnh, 28 cơ sở cung ứng xăng, dầu ven biển, 23 cơ sở cung ứng kinh doanh vật tư ngư lưới cụ, 16 xe đông lạnh chuyên dùng... thuận lợi cho tàu ra, vào bến tiêu thụ sản phẩm và cấp nhiên, nguyên liệu cho những chuyến ra khơi dài ngày.

Với 102 km bờ biển và vùng lãnh hải rộng 17.000km2, toàn tỉnh có hơn 6.010 tàu thuyền tham gia khai thác hải sản với sản lượng hằng năm đạt hàng trăm nghìn tấn, Thanh Hóa có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Trong đó, dịch vụ hậu cần nghề cá là một trong những ngành quan trọng giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế biển. 

Đến nay, tại các cảng cá đã hình thành được hệ thống dịch vụ, vừa cung cấp vật tư, nhiên liệu vừa thu mua, trung chuyển sản phẩm, đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển dài ngày của ngư dân. Bên cạnh đó, nhờ hạ tầng nghề cá được đầu tư nên việc vận chuyển, thu mua các loại hải sản và vận chuyển đến các chợ tiêu thụ cũng trở nên dễ dàng, nhanh chóng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Cường, cho biết, để tiếp tục thúc đẩy phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá. 

Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng cá trọng điểm như: Cảng Hòa Lộc, Hoằng Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng; đồng thời sẽ đầu tư xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão an toàn kết hợp với cảng cá và dịch vụ hậu cần tại các cảng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc; nâng cao giá trị sản phẩm sau mỗi chuyến đi và thu nhập cho bà con ngư dân, góp phẩn đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển.