Chưa đầy một ngày sau khi ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng gặp gỡ báo chí, ông Lê Viết Hải đã có đáp trả.

Theo đó, trong thông cáo mới nhất phát đi trưa 6/1, ông Lê Viết Hải cho biết, hai thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) gồm ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng, đã cung cấp thông tin nội bộ doanh nghiệp rộng rãi ra công chúng. Các thông tin này có tính bảo mật liên quan đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn, vi phạm các quy định về trách nhiệm của thành viên HĐQT ghi nhận tại điều lệ tập đoàn.

Ông Hải cho rằng, hai thành viên của HĐQT độc lập đã cố tình diễn giải những thông tin, tài liệu sai lệch với bản chất. “Động cơ này không khác gì hơn là giành quyền kiểm soát Tập đoàn để dễ bề thao túng với mục đích trục lợi cá nhân", thông cáo nêu.

Với những hành vi vi phạm trên, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và ông Lê Viết Hải sẽ gửi đơn tố giác lên cơ quan điều tra trong ngày hôm nay đề nghị xem xét hình sự với hai ông Nguyễn Công Phú, Dương Văn Hùng và các cá nhân đã tiếp tay, giúp sức cho hai cá nhân này.

Cuối thông cáo, ông Hải khẳng định người đại diện pháp luật và phát ngôn chính thức của tập đoàn vẫn là ông Lê Viết Hải và con trai là ông Lê Viết Hiếu - Phó Tổng giám đốc thường trực tập đoàn.

Trước đó, tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 5/1, ông Nguyễn Công Phú (người được bổ nhiệm là Chủ tịch HBC từ 1/1/2023 sau đó xảy ra tranh chấp) cho biết, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã nhất trí bầu mình (tỷ lệ 8/8 phiếu) với mong muốn đưa Hòa Bình vượt qua khó khăn trong những năm kinh doanh yếu kém vừa qua.

Ông Phú cho biết, ông đã ký đơn gửi tới tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đề nghị các cơ quan này trong thời gian sớm nhất, ban hành văn bản xác nhận tính hợp pháp, hợp lệ của các Nghị quyết số 50, 51 đã được Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) ban hành ngày 14/12/2022. 

Đồng thời, phía ông Phú đề nghị nhà chức trách phủ nhận Nghị quyết 53 của tập đoàn ban hành ngày 31/12/2022. “Trong vài ngày tới, nhà chức trách sẽ nhận được các văn bản này”, ông nói.

Cũng theo ông Phú, ngày 10/1 tới đây sẽ diễn ra cuộc họp HĐQT tại tập đoàn, ông đề nghị họp HĐQT vào sáng 5/1 nhưng phía ông Lê Viết Hải từ chối và chuyển sang ngày 10/1.

Ông Lê Viết Hải và con trai Lê Viết Hiếu dự lễ khởi công vào sáng 5/1 (Ảnh: HBC)

Trong khi đó, thành viên HĐQT độc lập Tập đoàn, ông Dương Văn Hùng, cho hay, cuộc họp ngày 10/1 tới đây sẽ phân định rõ việc ban hành Nghị quyết số 53. Nếu các bên không tìm được tiếng nói chung thì ông Nguyễn Công Phú là người đứng đơn, tiến hành khởi kiện vụ việc “tranh chấp” chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ra Tòa án Nhân dân TP.HCM. 

“Tôi muốn hai vị chủ tịch ngồi họp một cách bình thản vào ngày 10/1, nói đúng lẽ phải, bảo vệ được quyền lợi của các cổ đông, đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên. Tập đoàn Hòa Bình phải được bình yên như đúng tên gọi của nó”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Công Phú (trái) tại cuộc gặp báo chí chiều 5/1. (Ảnh: Trần Chung)

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thuyết âm mưu, có hay không các nhóm cổ đông lớn, đứng sau muốn thâu tóm Tập đoàn Hòa Bình, ông Nguyễn Công Phú khẳng định, ông không chấp nhận mình là một con rối và mong phía ông Lê Viết Hải hồi tâm lại, đưa ra quyết định đúng đắn trong cuộc họp ngày 10/1.

Liên quan đến cuộc “nội chiến” tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ngày 14/12/2022, HĐQT Tập đoàn gồm 8 thành đã bỏ phiếu với tỷ lệ 8/8, chấp thuận miễn nhiệm ông Lê Viết Hải và bầu ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập tập đoàn, giữ chức Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023. Văn bản pháp lý là Nghị quyết 50, 51 đã công bố.

Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2022, ông Lê Viết Hải là người trực tiếp ký ban hành Nghị quyết 53 với chức danh Chủ tịch HĐQT, nội dung tạm hoãn thi hành các Nghị quyết 50, 51 trước đó. Điều này đồng nghĩa việc chuyển giao chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chưa thể thực hiện.