Phát triển thành phố thông minh, bền vững

Với hơn 3,5 tỉ người hiện đang sinh sống ở thành thị, dự kiến đến năm 2050, 70% nhân loại sẽ sinh sống ở đô thị. Do đó, việc xây dựng các thành phố thông minh và bền vững được đặt lên hàng đầu trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị toàn cầu.

Tại Việt Nam, các trung tâm đô thị đang mở rộng nhanh chóng trong thời gian qua. Theo kết quả điều tra dân số gần đây nhất, 2 thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM lần lượt có khoảng 8 triệu và 9 triệu người, con số này dự kiến tiếp tục tăng. Hơn nữa, 2/3 các tỉnh thành khác tại Việt Nam cũng đang bắt đầu xây dựng đô thị thông minh.

{keywords}
 “Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững” sẽ được Đại học RMIT tổ chức trực tuyến ngày 24/11/2021

Giữa bối cảnh đó, Đại học RMIT tổ chức “Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững”, với mong muốn đem đến một nền tảng chung để các đơn vị, tổ chức chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển đô thị tại Việt Nam.

Liên Hợp Quốc định nghĩa, “thành phố thông minh bền vững” là một thành phố đổi mới sáng tạo; nơi công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác được sử dụng để nâng cao chất lượng cuộc sống, tính hiệu quả của việc vận hành đô thị và dịch vụ, cũng như tính cạnh tranh; mà vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Trên tinh thần đó, “Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững” sẽ trình bày chi tiết “mối quan hệ cộng sinh” giữa thành phố thông minh và tính bền vững, đồng thời lý giải vì sao đây là hướng đi thiết thực cho các thành phố Việt Nam trong tương lai.

PGS. Nguyễn Quang Trung - phụ trách Trung tâm nghiên cứu về Thành phố thông minh và bền vững tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT chia sẻ: “Thành phố thông minh không chỉ áp dụng công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, mà còn phải thân thiện với môi trường và bền vững cho thế hệ sau này, dựa trên các tiêu chuẩn và thực tiễn tốt nhất trên toàn cầu để đưa ra các quyết định cho tương lai bền vững”.

“Hơn nữa, bản thân công nghệ sẽ không thể khiến các thành phố trở nên “thông minh”, đáng sống và bền vững; mà đòi hỏi phải có chiến lược đúng đắn và sự lãnh đạo quyết đoán, dựa trên kiến thức và thực tiễn tốt nhất hiện có”, ông nói thêm.

{keywords}
Chuyên gia tham dự diễn đàn sẽ thảo luận cách giúp các trung tâm thành thị trở nên thông minh hơn nhờ công nghệ hiện đại, và bền vững hơn cho các thế hệ tương lai ở Việt Nam (Ảnh: Unsplash)

Nơi chia sẻ góc nhìn đa chiều

Xuyên suốt sự kiện kéo dài một ngày, người tham dự sẽ được lắng nghe chia sẻ từ các diễn giả trong và ngoài nước. Tại phiên buổi sáng dự kiến có các diễn giả đến từ: UNDP, Schneider Electric, Aurecon, KPMG, TMA Solutions… Diễn đàn sẽ tập trung phân tích mối quan hệ giữa thành phố thông minh và tính bền vững; đồng thời tìm hiểu 2 khái niệm này đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển bền vững.

Chương trình buổi chiều sẽ gồm 6 chủ đề đi sâu vào các nghiên cứu điển hình và công trình phát triển từ các học giả, nhà thực hành và nhà đổi mới trong nước và quốc tế. Hai chủ đề song song đầu tiên sẽ khám phá về công nghệ tiên tiến blockchain và khái niệm về các thành phố đáng sống theo quy chuẩn Úc. Hai chủ đề tiếp theo là xem xét các giải pháp cho năng lượng thông minh và biến đổi khí hậu, cũng như 3 lĩnh vực quan trọng của phát triển thông minh là: chuỗi cung ứng, du lịch và quản trị. Hai chủ đề song song trong phiên cuối cùng sẽ là lúc các chuyên gia chia sẻ về sự cần thiết của việc chuyển hướng sang nền kinh tế tuần hoàn, cũng như giới thiệu các giải pháp cho vấn đề nhân loại hiện đang phải đối mặt: ô nhiễm rác thải nhựa.

Trong khuôn khổ chương trình, Đại học RMIT sẽ công bố báo cáo mới nhất mang tên “Chuyển đổi số ở Việt Nam: Khảo sát doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”, dựa trên kết quả khảo sát, phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn nhóm với các nhà quản lý từ cấp trung đến cấp cao tại các DNNN và DNVVN đang hoạt động tại Việt Nam.

Đăng ký tham dự “Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững” TẠI ĐÂY

Doãn Phong