- Bị chất vấn dồn việc điện như mặt hàng kỳ lạ chỉ tăng không giảm, Bộ trưởng Công thương đính chính việc bán giá điện mới cao chỉ mới bắt đầu từ năm 2014 và đó vẫn chưa phải giá trị trường. Đồng thời xác nhận, chỉ đến năm 2021 khi thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh, người tiêu dùng mới được tự do lựa chọn nhà sản xuất điện.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi "bao giờ điệp khúc tăng giá điện chấm dứt" cho Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong phiên chất vấn chiều nay.

"Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ, tăng giá, tăng giá và tăng giá, tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa. Đó là điệp khúc có lẽ ra đời từ thủa khai sinh ra ngành điện lực nước nhà. Việc tăng giá điện không phải không có lý và lẽ ra việc tăng giá điện phải khiến người dân được lợi. Vì về lý thuyết, giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút các nhà đầu tư, và khi có nhiều DN cùng tham gia và bán thì chi phí sẽ giảm, người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất", ông Cương phân tích.

ĐB tỉnh Ninh Thuận đặt câu hỏi: "Nói vậy quá đúng, đúng với tất cả các ngành nhưng không đúng với ngành điện. Xin Bộ trưởng cho biết bao giờ lý thuyết ấy đúng với ngành điện?"

{keywords}

ĐB Nguyễn Sỹ Cương: Điện là mặt hàng rất kỳ lạ

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình mốc tháng 8/2013 thực hiện điều chỉnh giá điện và giữ ổn định trong suốt 2014, đến tháng 3/2015 mới tăng 7,5%.

Ông dẫn lại quy định Thủ tướng chỉ đạo về các nguyên tắc điều chỉnh giá điện. Theo đó, nếu các chi phí đầu vào, trong đó có giá nhiên liệu, tỉ giá và kết cấu của sản lượng điện giữa thủy điện và nhiệt điện, thay đổi đến mức buộc phải điều chỉnh thì xem xét điều chỉnh giá điện.

"Chính phủ cũng cho phép nếu mức tăng dưới 10% thì giao Bộ Công thương và Tài chính chủ trì, trên 10% mới báo cáo Chính phủ. Vừa qua ngành điện đề nghị 3 phương án tăng 7,5%, 9,5% và 12%. Lần này khác các lần trước, không chỉ hai bộ trên mà cả Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Nhà nước, cùng nghe ngành điện trình bày một cách cẩn trọng".

Nghe đến đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi: "Tại sao điện chỉ tăng mà không giảm?"

Bộ trưởng Công thương giải thích, trước đây giá bán điện duy trì cơ chế bao cấp nên thấp. Bắt đầu từ năm 2014 giá bán mới cao hơn giá thành, nhưng vẫn chưa phải giá thị trường và cũng không dám tăng thường xuyên, phải theo lộ trình, và theo nguyên tắc thị trường đảm bảo yếu tố xã hội.

XEM CLIP:

ĐB Nguyễn Sỹ Cương bấm nút tái chất vấn: "Bao giờ xóa bỏ được độc quyền trong kinh doanh điện, nếu còn độc quyền còn chiều hướng tăng mãi?"

Ông Vũ Huy Hoàng trả lời bằng cách nhắc lại lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt: 2012 thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. 2016 thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh. 2021 thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh. Từ đó, người tiêu dùng sẽ tự do lựa chọn nhà sản xuất điện phù hợp với khả năng của mình.

Chưa DN nào chây ỳ trồng rừng

Đem những băn khoăn chưa được giải đáp từ phiên chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT hỏi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị nghiêm khắc xử phạt các DN thủy điện không trồng rừng thay thế, xem xét rút giấy phép theo luật.

"Những địa bàn không còn đất để trông rừng thay thế xử lý thế nào? Vì sao khi lập dự án, không có đất để trồng rừng thay thế, dự án vẫn được phê duyệt, trách nhiệm thuộc về ai?", ông Học hỏi Bộ trưởng.

Ông Vũ Huy Hoàng nhắc lại lời Bộ trưởng Cao Đức Phát rằng DN chịu trách nhiệm chính, nếu chây ỳ không thực hiện, không trồng rừng theo kế hoạch hoặc không nộp tiền trồng rừng, phải bị xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.

"Thời gian vừa rồi, chúng tôi và các địa phương đã kiểm tra. Đến giờ phút này, các DN được kiểm tra đều bày tỏ sẵn sàng trồng rừng theo kế hoạch hoặc nộp tiền cho địa phương, chưa có trường hợp nào chây ỳ. Nếu có, chúng tôi kiên quyết xử lý", Bộ trưởng Công thương khẳng định.

Nếu địa phương không có quỹ đất cho trồng rừng, theo Bộ trưởng, DN nộp tiền để địa phương trồng rừng nơi khác hoặc báo bộ NN&PTNT để điều chỉnh diện tích trồng rừng ở địa phương khác.

{keywords}

ĐB Nguyễn Thái Học: Vì sao dự án không có đất để trồng rừng thay thế vẫn được phê duyệt?

Nghe trả lời chưa thỏa mãn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi: "Tại sao biết không có đất trồng rừng bù mà vẫn cấp phép?". ĐB Nguyễn Thái Học cũng chưa hài lòng, bấm nút chất vấn lại về trách nhiệm phê duyệt dự án khi không có đất trồng bù rừng.

Ông Vũ Huy Hoàng giải thích, một số thủy điện được xây dựng từ nhiều năm trước chưa chú trọng công tác trồng bù rừng. Sau này, khi trở thành vấn đề lớn, được xã hội, cử tri, nhân dân cả nước và QH quan tâm, vấn đề môi trường mới được đặt ra nghiêm túc.

Bộ trưởng khẳng định, hiện dự án đều phải có báo cáo tác động môi trường, trong đó có biện pháp trồng bù diện tích rừng bị mất cho các công trình thủy điện.

Thương lái nước nào gian lận cũng phải xử lý

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn chuyện thương lái TQ hoành hành, nhắc lại đây là vấn đề chất vấn Bộ trưởng nhiều lần nhưng chưa thấy giải pháp.

Thông tin việc thu mua các mặt hàng "lạ" cũng có sự tham gia của thương lái VN, ví dụ mua cam non để làm thuốc, Bộ trưởng cho hay, vừa qua có sự phối hợp giữa nhiều bên xử lý nghiêm túc, thực trạng ĐB nêu tình trạng đã giảm.

{keywords}

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thu mua các mặt hàng "lạ" cũng có sự tham gia của thương lái VN

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu thêm khẳng định thương lái bất cứ nước nào nếu làm ăn gian lận, không đúng pháp luật VN đều bị xử lý.

"Hiện không chỉ có thương lái nước mà ĐB Khá nêu, mà thương lái nhiều nước khác cũng có tình trạng đó. Ngay cả trong nước ta, DN ta, người mua người bán nước ta, cũng có tình trạng đó, đều cần phải xử lý", ông Nguyễn Sinh Hùng nói.

Trước khi kết thúc phiên chất vấn chiều nay, ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) gửi đến Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng câu hỏi "cử tri hỏi tôi, tôi không trả lời được, tôi hỏi bộ trưởng":

"Hiện nước ta đang ở phân khúc nào trên chặng đường đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020? Với tư cách tư lệnh ngành, Bộ trưởng sẽ tham mưu gì để thực hiện chủ trương trên, lưu ý là chỉ còn 5 năm nữa? Theo Bộ trưởng, đến 2020 ta có đạt được mục tiêu này không? Nếu được, xin Bộ trưởng dẫn chứng bằng số liệu thuyết phục. Nếu không thì vì sao?"

Chung Hoàng - Hồng Nhì - Minh Thăng - Duy Tiến