Cú hích cho điện mặt trời mái nhà

Số liệu cập nhật đến hết ngày 31/12/2020, có hơn 100.000 công trình điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp. 

{keywords}
Điện mặt trời mái nhà bùng nổ ở Việt Nam chỉ một thời gian ngắn.

Theo đánh giá của Viện Năng lượng, việc triển khai dự án Điện mặt trời áp mái đem lại nhiều lợi ích cho hộ gia đình/chủ đầu tư và cộng đồng. Về mặt kinh tế, dự án Điện mặt trời áp mái giúp hộ gia đình/chủ đầu tư giảm chi phí mua điện hàng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp hoặc giảm giá mua điện lưới ở bậc cao. Với sản lượng dôi bán lên lưới, hộ gia đình/chủ đầu tư sẽ có thêm khoản thu nhập. Mặt khác, dự án Điện mặt trời áp mái không tốn diện tích lắp đặt trong khi đây là một giải pháp chống nóng hiệu quả cho công trình.

Về tổng thể, dự án Điện mặt trời áp mái đấu nối vào lưới hạ áp và trung thế sẽ làm giảm áp lực đầu tư vào lưới địa phương đồng thời góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng sạch và bất tận.

Từ khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 về Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời Việt Nam, điện mặt trời nối lưới có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Khi đó, Điện mặt trời áp mái không được coi là một đối tượng riêng và có mức giá bán điện chung là 9,35 UScents/kWh.

Từ đó đến nay, do chưa có giá điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn sau ngày 31/12/2020 nên việc lắp điện mặt trời mái nhà tạm dừng lại.

Báo cáo Bộ trưởng Công Thương gần đây, EVN cũng lưu ý rằng: Với trường hợp các nguồn điện có thể vào vận hành với tiến độ như dự kiến và kịch bản nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng bình quân 9,1%/năm, hệ thống cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện trong giai đoạn 2022-2025. Tuy nhiên, khó khăn rất lớn là đảm bảo cung cầu tại khu vực miền Bắc do nguồn điện mới dự kiến vào vận hành ở miền Bắc rất ít.

EVN cho biết: Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài tại khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ khiến nhu cầu tiêu thụ điện “đỉnh” của miền Bắc tăng cao đột biến, lên tới 21.500MW (tăng cao hơn 2.500MW so với nhu cầu phụ tải các ngày làm việc trước đó) tăng trưởng trên 15% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài cao điểm chiều, công suất tiêu thụ điện lớn nhất xảy ra vào thời cao điểm tối (khoảng từ 20h-22h) khi không có sự đóng góp của các nguồn điện mặt trời.

Cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã huy động tối đa tất cả nguồn điện trên hệ thống điện miền Bắc và khai thác tối đa khả năng truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc. Thế nhưng, vẫn xảy ra tình trạng quá tải cục bộ tại một số khu vực và phải cắt điện trong các ngày 31/5-3/6, trong các giờ cao điểm (từ khoảng 12h30-14h30 và 21h-23h) với công suất cắt giảm khoảng 500-2.000MW.

Điều đó có nghĩa, tại một số khu vực ở miền Bắc đã xảy ra tình trạng bị cắt điện vào những cao điểm nắng nóng - điều không ai muốn xảy ra. Việc cắt giảm này được EVN nhấn mạnh là “tình huống khẩn cấp để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống”.

Do đó, việc tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà là chính sách đúng để bổ sung vào hệ thống điện quốc gia.

Tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững

Theo Viện Năng lượng, việc lắp đặt công tơ hai chiều tại mỗi dự án Điện mặt trời áp mái góp phần làm giảm tiêu thụ điện, trước khi thực hiện phát điện lên lưới. Một tính toán nhỏ dưới đây dựa trên hai khảo sát đo đếm thực tế tại một hộ gia đình ở nội thành Hà Nội có lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, với công suất 5,28 kWp và diện tích lắp đặt 34,5m2, sẽ cố gắng đánh giá hiệu quả về mặt tiết giảm nhu cầu tiêu thụ nội bộ tại chính gia đình đó.

{keywords}
So sánh têu thụ điện của hai hộ dùng điện mặt trời mái nhà

Khảo sát thứ nhất là số liệu sản xuất điện thực tế của hệ thống điện mặt trời áp mái (tải thực tế đo được sau bộ biến tần inveter) tại một ngày cụ thể trong tháng 5/2020 ở gia đình trên. Khảo sát thứ hai là số liệu tiêu thụ điện trung bình một ngày trong tháng 5/2019 cũng của hộ gia đình trên theo từng khung giờ. Giả thiết rằng tiêu thụ và điện sản xuất từ điện mặt trời áp mái của của hộ gia đình là trong cùng một ngày.

{keywords}
Điện mặt trời mái nhà giúp tiết kiệm đáng kể.

Có thể thấy sản lượng điện sản xuất trong 1 ngày của của hệ thống điện mặt trời áp mái trên là khá cao, 27,2 kWh. Về lý thuyết đủ sức đáp ứng nhu cầu cả ngày của gia đình là 19,6 kWh. Thực tế không như vậy, do đặc thù không có năng lượng chiếu sáng trong một số khung giờ, hộ gia đình trên vẫn phải sử dụng hoàn toàn điện lưới từ 19:00 đến 5:00 của ngày hôm sau. Trong những khung giờ còn lại, hộ gia đình trên sử dụng kết hợp cả điện lưới và điện mặt trời áp mái.

Hệ thống điện mặt trời áp mái này đã giúp tiết kiệm 34,2% lượng điện tiêu thụ.

Từ đó, Viện Năng lượng đánh giá: Có thể thấy tỷ lệ tiết kiệm điện và tỷ lệ phát lên lưới như trên là khá cao, cho thấy lợi ích kinh tế rõ ràng cho chủ đầu tư/hộ gia đình. Tuy nhiên, số liệu đo đạc kể trên là một ví dụ đơn lẻ về một gia đình có hạ tầng phù hợp (nhà biệt thự) và có khả năng tài chính. Phần lớn các hộ gia đình ở khu vực thành thị Việt Nam rất khó thỏa mãn cả hai điều kiện.

Theo Viện Năng lượng, nếu xét góc độ tổng thể quốc gia, điện mặt trời áp mái thực sự ý nghĩa về việc giảm tổn thất lưới, tăng nguồn cung cấp điện, và có đóng góp trong việc tiết giảm tiêu thụ điện tại chỗ. Trong quy hoạch điện 8, điện mặt trời áp mái sẽ được coi là một dạng nguồn phát riêng biệt trong Chương trình phát triển nguồn điện, đồng thời là giải pháp tiết kiệm điện sẽ được tích hợp trong phần dự báo nhu cầu tiêu thụ điện trong tương lai.

Thanh Tùng