Cả thế giới đang chuyển sang tốc độ Internet siêu nhanh với công nghệ 5G hoặc 6G, song ở một số vùng xa vùng sâu ở Ấn Độ, người dân vẫn đang mắc kẹt trong kỷ nguyên 2G.

Chi nhánh viễn thông của tập đoàn Reliance Industries Ấn Độ vừa ra mắt một chiếc điện thoại phổ thông có giá 12 USD (khoảng 280.000 VNĐ) với khả năng hỗ trợ Internet trên mạng di động 4G.

Chiếc điện thoại giá rẻ này được cho sẽ làm giảm khoảng cách kết nối di động giữa nông thôn và thành thị Ấn Độ bằng cách cung cấp cho những người không có điện thoại thông minh (smartphone) một giải pháp giá rẻ để chuyển từ 2G sang 4G.

Điện thoại phổ thông có tính năng kết nối 4G giúp Ấn Độ thu hẹp khoảng cách truy cập di động giữa nông thôn và thành thị

“Có hơn 250 triệu người dùng điện thoại di động ở Ấn Độ vẫn mắc kẹt ở kỷ nguyên 2G và không thể khai thác những tính năng cơ bản của Internet vào thời điểm cả thế giới đang bước sang cách mạng 5G”, chủ tịch Akash Ambani của Reliance Jio cho biết.

Thiết bị mới có tên “Jio Bharat”, là điện thoại cấp thấp dành cho những người lần đầu sử dụng Internet, chỉ có tính năng cơ bản thay vì bị phức tạp hoá bởi kho ứng dụng khổng lồ như smartphone.

Varun Mishra, chuyên gia phân tích cấp cao tại Counterpoint Research cho hay Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới và có khả năng bổ sung thêm 300 triệu người dùng Internet mới, đưa nước này trở thành quốc gia nhanh nhất cung cấp dịch vụ đến những người chưa kết nối.

“Với kiểu dáng quen thuộc, trang bị thêm khả năng kết nối Internet, thiết bị này sẽ giúp người dùng trải nghiệm lần đầu tiên các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số hay nội dung số thông qua hệ sinh thái của Jio”, Mishra nói.

“Vũ khí” giá rẻ, người dùng hưởng lợi

Jio có ưu thế so với các đối thủ cạnh tranh trong không gian viễn thông, chẳng hạn như Vodafone Idea (hợp tác giữa Aditya Birla và Vodafone), hay Bhati Airtelas và BSNL. Ngoài việc bán điện thoại ở giá cực thấp, các gói cước hàng tháng của Jio cũng rất phải chăng.

Tập đoàn này tuyên bố gói cước hàng tháng của họ rẻ hơn 30% so với đối thủ trong khi cung cấp cho khách hàng dữ liệu gấp bảy lần.

Theo IDC, có khoảng 250 triệu người dùng vẫn sử dụng điện thoại phổ thông tại Ấn Độ cho mục đích nghe gọi đơn thuần

Ví dụ, chỉ với khoảng 1,5 USD (35.000 VNĐ), khách hàng được các cuộc gọi thoại không giới hạn và 14 GB dữ liệu, so với gói cước 3 USD (~70.000 VNĐ) cho cuộc gọi thoại với chỉ 2 GB dữ liệu.

Theo Navkendar Singh từ IDC, đây là chiến thuật của Jio nhằm lôi kéo khách hàng dùng điện thoại phổ thông dù công ty này chỉ cung cấp dịch vụ di động 4G và 5G.

“Mục tiêu chính của Jio là thu hút nhiều khách hàng hơn đến với nền tảng, sau đó họ có thể bắt đầu bán chéo các dịch vụ”, Singh giải thích rằng người dùng có thể sử dụng dịch vụ thanh toán hay phát trực tuyến của công ty này.

Ngoài ra, Reliance Jio cũng kỳ vọng những người lần đầu được dùng Internet sẽ nâng cấp lên thiết bị cao cấp hơn trong tương lai. “Sau 3-4 năm, khách hàng nhiều khả năng sẽ chọn điện thoại thông minh có nhiều tính năng cao cấp hơn hoặc thiết bị thông minh giá rẻ khác”.

Xoá vùng lõm Internet giúp triển khai 5G “mượt mà” hơn

Dữ liệu từ IDC cho thấy Ấn Độ có ngành viễn thông lớn thứ hai thế giới với tổng thuê bao 1,17 tỷ người tính đến tháng 9/2022.

Hầu hết các mẫu điện thoại thông minh ở Ấn Độ có giá khoảng 300 USD đều đã hỗ trợ 5G.

Nikhil Batra, giám đốc nghiên cứu của hãng nghiên cứu thị trường này nhận định “sự tăng trưởng của ngành trong vài năm qua chủ yếu thúc đẩy bởi mức thuế thấp hơn, sự sẵn có của điện thoại thông minh giá rẻ”, cũng như sự tham gia dịch vụ viễn thông của các tập đoàn như Reliance Jio, “đã mở rộng vùng phủ sóng 4G, thúc đẩy mức tiêu thụ dữ liệu cao hơn đối với người dùng”.

Trong khi đó, việc triển khai 5G của Ấn Độ “nhanh hơn và mượt mà hơn”. Counterpoint Research ước tính có gần 85 triệu người dùng smartphone hỗ trợ 5G tại quốc gia Nam Á này và thị phần thiết bị cầm tay 5G tại đây đạt 32% thị phần vào năm 2022.

Counterpoint Research cho biết Jio sẽ tiếp cận toàn Ấn Độ vào cuối năm nay, trong khi đó “Vodafone Idea và BSNL dự kiến tham gia triển khai 5G vào năm 2024”. 

Tuy nhiên, Batra lý giải rằng con số này chủ yếu phản ánh nguồn cung smartphone khi nhu cầu về điện thoại 5G ở các quốc gia khác như Trung Quốc và Hàn Quốc tăng lên dẫn đến các thương hiệu tung nhiều sản phẩm tích hợp 5G ra thị trường , còn người dùng Ấn Độ “chưa thực sự yêu cầu công nghệ này cho đến thời điểm hiện tại, việc mua hàng của họ được thúc đẩy chủ yếu bởi tính sẵn có của sản phẩm”. 

(Theo CNBC)