Hành trình đi tới thịnh vượng không phải là ước vọng của duy nhất Việt Nam mà của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Rất nhiều quốc gia đã sử dụng các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy áp dụng những chiến lược kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. 

Tại Việt Nam, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thành lập từ tháng 10/2019, nơi đóng vai trò như một “bà đỡ” cho doanh nghiệp (DN).

Chia sẻ với PV VietNamNet, TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) cho hay, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam là một trong ba hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển nhất khu vực Đông Nam Á, cùng với Singapore và Indonesia. 

Hiện ở Việt Nam đã đã hình thành một số kỳ lân công nghệ. Chính điều này đã giúp Việt Nam được các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài và trong nước đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng trong kiến tạo đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Đông Nam Á.

TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch – Đầu tư). (Ảnh: NIC)

Mạng lưới đổi mới sáng tạo hơn 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt

Ông Hoài chia sẻ, sau hơn 3 năm ra đời, NIC đã xây dựng được mạng lưới kết nối toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp NIC kết nối chuyên gia, tri thức người Việt Nam xuất sắc ở nước ngoài có thể đồng hành để giải quyết các bài toán khó trong nước, từ DN hay các vấn đề khu vực công.

“Hiện chúng tôi có mạng lưới ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 1.600 thành viên. Chúng tôi không tập trung vào số lượng, mà tập trung vào chất lượng. Những người tham gia rất tâm huyết có thể đồng hành và phát triển cùng với các DN Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam. Họ là những người đã có kinh nghiệm thực tiễn trong các DN, môi trường, tổ chức nước ngoài để có thể tư vấn, hỗ trợ DN trong nước”, ông Hoài nói.

Nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ nơi làm việc tại NIC. 

Tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ DN, đặc biệt hỗ trợ về kết nối nguồn lực cho các DN đổi mới sáng tạo, ông Hoài cho hay, Trung tâm hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế lớn như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO). Các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Google, Meta, Amazon… để từ đó các DN Việt Nam có cơ hội tìm hiểu thêm các đối tác lớn, đặc biệt là đối tác công nghệ.

Đáng chú ý, chương trình hợp tác với USAID đã nâng cao nguồn nhân lực cho khoảng 1.000 nhân sự; đặc biệt là các ngành về công nghệ số, công nghệ truyền thông, big data, blockchain…

Riêng chương trình hợp tác với Google, năm 2022 đã cấp hơn 26.000 suất học bổng cho các DN và trường đại học để đào tạo nhân sự cho các DN đổi mới sáng tạo. Hay kết hợp với Tập đoàn Meta để triển khai các chương trình hỗ trợ DN về chuyển đổi số cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Có khoảng 100 DN được hỗ trợ giới thiệu quảng bá trên hệ thống của Goldsun Media. Đặc biệt, không gian của NIC hiện có khoảng 24 DN đang làm việc và được hỗ trợ tối đa do nằm trong hệ sinh thái.

"Là một startup về an ninh mạng, xuất phát đội ngũ ban đầu chúng tôi chỉ có 9 người, địa điểm công ty là nhà riêng của một Founder với vô vàn khó khăn. Tuy nhiên với sự quan tâm hỗ trợ của NIC, SCS đã chính thức tham gia vào không gian làm việc chung của NIC từ ngày 1/3/2023", ông Ngô Tuấn Anh, CEO, Founder Công ty An ninh mạng thông minh SCS (đơn vị phát triển SafeGate) chia sẻ.

"Tham gia vào hệ sinh thái NIC, các doanh nghiệp được hỗ trợ toàn diện về đổi mới sáng tạo. Ngoài không gian làm việc và các hỗ trợ về hạ tầng, cơ sở vật chất thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển, SafeGate cũng có cơ hội tham gia vào các hoạt động, chương trình hỗ trợ; sử dụng các dịch vụ tư vấn, đào tạo đặc biệt dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", ông Ngô Tuấn Anh nói thêm. 

Với hệ sinh thái khởi nghiệp của NIC, đã có 41 quỹ đầu tư cam kết rót 1,5 tỷ USD trong 3 năm 2023 – 2025 và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.

Mục tiêu có 500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Trong hành trình tìm kiếm DN Việt Nam để đổi mới sáng tạo, ông Hoài nói thẳng: Thực sự rất khó. Bởi lẽ, DN Việt hầu hết là DN nhỏ và siêu nhỏ, không có nguồn lực để đầu tư nên để tồn tại đã khó chứ chưa nói đến việc đổi mới sáng tạo. 

Do đó, rất nhiều DN bị hạn chế về tư duy ngay cả ở người lãnh đạo; nhưng vẫn có một bộ phận mong muốn đổi mới sáng tạo.

Cơ sở NIC đang xây dựng tại Hòa Lạc. (Ảnh: NIC)

“Chúng tôi phải tìm hiểu người sáng lập DN là ai, họ có kinh nghiệm, khả năng bứt phá DN trong tương lai không; nền tảng sản phẩm, giá trị hiện nay DN đang có; sản phẩm có đáp ứng nhu cầu thị trường, khả năng mở rộng thị trường không

Hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, trong quy trình quản lý vận hành của DN như thế nào. Tính bền vững của DN và sản phẩm…”, ông Hoài nói thêm về các tiêu chí khi chọn lựa DN đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, NIC đang triển khai chương trình sáng kiến đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ông Hoài chia sẻ, mục tiêu đến năm 2030 phát triển được 500 DN tiên phong về đổi mới sáng tạo.

“Nếu 1 DN được định giá trên 1 tỷ USD thì 500 DN sẽ có hơn 500 tỷ USD, tương đương với GDP quốc gia. Nếu chúng ta làm được sẽ tạo động lực phát triển kinh tế giai đoạn 5 - 10 năm tới”, Phó Giám đốc NIC nói.

Để thực hiện được việc này, ông cho rằng, cần sự tham gia của các bộ ban ngành, cơ quan liên quan để tháo gỡ cơ chế chính sách. Làm sao Nhà nước có thể sử dụng nguồn lực công để hỗ trợ DN, kể cả cơ sở vật chất; nguồn lực về tài chính và đặc biệt là công nghệ mới.

Câu chuyện tìm được khách hàng đầu tiên đối với các DN đổi mới sáng tạo có sản phẩm hay, sản phẩm mới cũng là vấn đề khó, đòi hỏi Nhà nước cũng phải là một trong những khách hàng đầu tiên hoặc tạo cơ chế thuận lợi để tập đoàn lớn là những khách hàng đầu tiên của DN đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ thêm, ông Hoài cho biết, hiện Trung tâm cũng thu hút được nhiều DN có người Việt tham gia sáng lập ở nước ngoài đều tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo NIC như Công ty Got It, Công ty Genetica, Công ty Earable, Công ty Safegate…

Làm sao để hút nhân tài, doanh nghiệp về Việt Nam?

Nói về việc thu hút nhân tài, thu hút DN về Việt Nam, ông Hoài cho rằng không khó, nhưng vấn đề khi họ về rồi làm sao để họ ở lại, tiếp tục phát triển kinh doanh ở Việt Nam mới là câu chuyện.

Ông Hoài cho hay, năm 2018, trong quá trình tìm hiểu mô hình đổi mới sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm, thấy rằng để làm được một bước phát triển đột phá mới cần đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo cần có những con người thực sự tài năng.

Chính vì thế, Bộ trưởng tập trung xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình đầu tiên vào năm 2018, mời 100 người Việt Nam là chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài về để tìm hiểu về Việt Nam, cơ hội cùng với Việt Nam phát triển như thế nào.

Nhiều người trong số họ làm việc ở các tập đoàn lớn, giữ vị trí quan trọng như Tập đoàn Google, Tập đoàn Meta…

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm phòng R&D của Genetica, công ty xét nghiệm gen ứng dụng trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: NIC)

Trong chương trình đó, Bộ KH-ĐT thiết kế để đoàn công tác có thể trao đổi với các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương ở VN, thăm một số DN, tập đoàn ở Việt Nam để tìm hiểu thực tế môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển ở Việt Nam như thế nào.

Hiệu ứng của quá trình trao đổi đó đến nay đã thu hút được hơn 50% trong số 100 nhân tài ở lại làm việc tại các tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam.

Đáng chú ý, trong đó có những người về khởi nghiệp từ đầu như Tiến sĩ Cao Anh Tuấn và TS Bùi Thanh Duyên là Founder của Công ty Genetica; Công ty Earable của GS Vũ Ngọc Tâm... Hay TS. Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI từng là kỹ sư của Google.

Theo Phó Giám đốc NIC, chúng ta không chỉ đồng hành ban đầu khi mời DN về mà phải đồng hành trong cả quá trình họ phát triển. 

“Từ câu chuyện thủ tục pháp lý, đăng ký kinh doanh, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, tìm kiếm đối tác nhà đầu tư liên quan hay khi họ có sản phẩm đổi mới sáng tạo chúng ta cần đồng hành để giúp họ phát triển thị trường, có khách hàng lớn, quảng bá sản phẩm, sử dụng công nghệ mới, văn phòng làm việc… 

Cần có một đơn vị đầu mối, một cửa để hỗ trợ tất cả việc cho DN đổi mới sáng tạo. Hiện DN phải qua rất nhiều cửa khác nhau, làm nhiều thủ tục mất nhiều thời gian, vướng mắc khó khăn”, ông Hoài cho hay.

Hơn nữa, theo ông, cần điều chỉnh chính sách; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chính các DN. Bên cạnh sự hỗ trợ của NIC, cần sự đồng hành vào cuộc của nhiều bên để các DN sẵn sàng khi về Việt Nam thấy được môi trường, phục vụ DN cầu toàn thì DN họ sẽ về.

Nếu được vậy, mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có 500 DN tiên phong đổi mới sáng tạo, mỗi DN được định giá trên 1 tỷ USD; 500 DN sẽ có hơn 500 tỷ USD… sẽ sớm thành hiện thực. Điều đó góp sức lớn cho hành trình hiện thực hoá “khát vọng” Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, hùng cường và thịnh vượng vào năm 2045. 

TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) cho biết:

Tại NIC Hà Nội (số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội), chúng tôi xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tầm quốc gia. Trong đó, có sự tham gia đầy đủ của các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT… các trường đại học, các viện nghiên cứu, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, start-up tiêu biểu từ Silicon Valley về làm việc.

Cơ sở NIC tại khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực. Trong đó, có sự tham gia của các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đồng thời cũng có khu vực sản xuất thử nghiệm, các doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất hàng mẫu, sản phẩm ban đầu để có thể đưa ra thị trường.

Tại cơ sở này cũng sẽ có khu ươm tạo, phát triển các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong tương lai, nhất là những lĩnh vực cần nguồn nhân lực, cần doanh nghiệp hỗ trợ như công nghiệp bán dẫn hay năng lượng tái tạo.

Cả hai cơ sở đều có mô hình nhà máy thông minh, trung tâm trải nghiệm số để các DN có nhu cầu chuyển đổi từ nhà máy sản xuất truyền thống sang mô hình nhà máy thông minh đến để tham khảo.