Bạn đọc số 097489xxx; 0123438xxx gọi hỏi về chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN).

Văn phòng Tư vấn pháp luật của báo trả lời: Để đủ điều kiện hưởng TCTN, bạn phải đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc (nếu có hợp đồng xác định thời hạn hay không xác định thời hạn), từ đủ 12 tháng trong vòng 36 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ (nếu có HĐLĐ thời vụ dưới 12 tháng); chấm dứt hợp đồng đúng luật; đi đăng ký thất nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

{keywords}

Ảnh minh họa.

Điều 50 Luật Việc làm quy định: Mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng. Thời điểm hưởng TCTN được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng TCTN theo quy định tại khoản 1, điều 46 của Luật này.

Bạn đọc có email taichinhketoan@xxx trình bày: Tôi đóng BHXH tự nguyện đã được 8 năm, bây giờ tôi muốn dừng đóng và hưởng BHXH một lần có được không? Số tiền mà tôi nhận được là bao nhiêu? Có được hưởng bằng số tiền tôi đã đóng hay không?

Luật sư Đặng Thị Tâm - Văn phòng Luật sư Quốc Thái, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trả lời: Căn cứ khoản 1, Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng được hưởng BHXH một lần thì: NLĐ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, trường hợp của bạn đủ điều kiện để được hưởng BHXH một lần khi bạn không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Cách tính mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Dựa trên cách tính trên, bạn áp dụng để tính cho trường hợp của mình.

(Theo Lao Động)