Một giáo viên mẫu giáo ở Trung Quốc bị cáo buộc cổ súy chủ nghĩa vật chất bằng cách yêu cầu trẻ em nói về nhà cửa, xe cộ và tiền bạc, theo The South China Morning Post.

Cụ thể, mạng xã hội nước này lan truyền một video các bé gái tại một trường mẫu giáo ở thị xã Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên (Tây Nam Trung Quốc) hỏi đùa các bé trai về quyền sở hữu căn hộ, ô tô và tiền bạc. “Bạn có căn hộ không? Bạn có xe hơi không? Bạn có tiền không?".

Các cậu bé liên tục lặp lại trả lời rằng cha của chúng sở hữu tất cả những thứ này: “Cha tôi có tất cả”. Các bé nữ tiếp tục hỏi: “Vậy bạn có gì?”. "Tôi có bố tôi!", các bé trai trả lời.

Một số nhà quan sát trực tuyến bày tỏ lo ngại rằng video cấu thành hành vi xâm phạm quyền riêng tư vì bọn trẻ còn quá nhỏ để hiểu những gì chúng đang tham gia. Ảnh: Weibo

Đoạn video được chia sẻ trực tuyến bởi một người không rõ danh tính. Người đăng tải nói rằng nó được quay bởi một giáo viên và chia sẻ trong nhóm trò chuyện trong lớp. Người này bày tỏ sự lo lắng về ngôn ngữ được sử dụng cũng như giọng điệu của các câu hỏi.

“Cô giáo mầm non quay video rồi chia sẻ trong nhóm lớp như vậy có chấp nhận được không? Cá nhân tôi nghĩ rằng kiểu giáo dục này đang thực sự gây hiểu lầm cho bọn trẻ".

“Loại tình huống này bình thường sao? Hay đó chỉ là nhận thức cá nhân của tôi?” người đó nói.

Ngay sau khi đăng tải, đoạn video đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc. Hashtag “Tranh cãi việc cô giáo mầm non quay cảnh trẻ nói về nhà, xe và tiền” đã thu hút hơn 2 tỷ lượt xem. Nhiều bình luận chỉ trích trường mẫu giáo và giáo viên.

“Nếu con tôi học ở đây, tôi sẽ chuyển chúng sang trường khác ngay trong đêm”, một người nói.

Một người khác bình luận thêm: “Có phải họ đang dạy các bé gái ngay từ nhỏ dựa dẫm vào những người đàn ông giàu có và các cậu bé chỉ biết ngưỡng mộ cha mình không?”.

Người khác bày tỏ: “Đây thực sự là nuôi dưỡng những đứa trẻ có giá trị lệch lạc từ khi còn nhỏ”. Một số chỉ trích trường mẫu giáo đã quay phim bọn trẻ và vi phạm quyền riêng tư của trẻ bằng cách chia sẻ video.

“Tại sao nhiều giáo viên không lo tốt nghiệp vụ sư phạm của mình mà còn muốn thành người sáng tạo nội dung? Và họ thậm chí còn lôi kéo học sinh vào việc tạo nội dung. Làm sao họ có thể cống hiến hết mình cho giáo dục với những thứ khiến họ xao nhãng như vậy?”, một người nói. Một người khác đồng ý: “Giáo viên không được phép quay phim học sinh và chia sẻ video trực tuyến!”.

Một số người khác cho rằng video này được quay để kỷ niệm Ngày của Cha và dựa trên một số khuôn mẫu nội dung thịnh hành trên mạng. Nhiều trường mẫu giáo ở Trung Quốc được cho là đã sử dụng mẫu câu hỏi này để sản xuất các video tương tự.

Trước phản ứng dữ dội, chính quyền địa phương cho biết họ đang nói chuyện với trường mẫu giáo có liên quan và cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Tử Huy

Xôn xao bức ảnh kỷ yếu sinh viên tốt nghiệp giả chết

Xôn xao bức ảnh kỷ yếu sinh viên tốt nghiệp giả chết

Những tuần gần đây, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập hình ảnh sinh viên tốt nghiệp chụp ảnh 'giả chết'. Họ không lựa chọn những bức ảnh bóng bẩy nhằm phản ánh chân thực hơn về thực tế khó khăn mà sinh viên ra trường phải đối mặt.
Giới trẻ Trung Quốc đổ xô vào công chức nhà nước

Giới trẻ Trung Quốc đổ xô vào công chức nhà nước

Năm 2022, hơn 2,6 triệu người đã đăng ký tham gia kỳ thi công chức toàn quốc Trung Quốc, cạnh tranh cho 37.000 công việc ở chính quyền trung ương và hàng chục nghìn chức vụ khác trong chính quyền cấp tỉnh, thành.