Từ việc áp dụng các quy định ghi nhãn hàng hoá khác nhau, theo Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng, trong áp dụng pháp luật, các doanh nghiệp cần được đối xử công bằng.

Thời gian vừa qua, bên cạnh việc bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt hành chính 25 triệu đồng vì chưa kiểm nghiệm định kỳ đầy đủ với mọi sản phẩm của họ, Pepsico Việt Nam còn bị cho là không tuân thủ quy định về nhãn mác khi chỉ đề: “Sản xuất bởi Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, cao ốc Sheraton, số 8 đường Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM” trên nhãn các sản phẩm, tức là chỉ đề một nơi sản xuất là trụ sở đặt công ty.

Về vấn đề này, vị tổng giám đốc của Pepsico Việt Nam đã lên tiếng trên Zing.vn rằng doanh nghiệp đang làm đúng và viện dẫn ra Thông tư liên tịch số 34 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương được ban hành năm 2014 để minh oan, thay vì thực hiện đúng khoản 1 Điều 11 Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa.

{keywords}

Pepsico Việt Nam cho rằng mình không sai khi áp dụng đúng Thông tư.

Điều đáng nói, dù có Thông tư liên tịch số 34 của 3 Bộ về vấn đề nhãn hàng hoá như vậy nhưng nhiều doanh nghiệp khác vẫn phải tuân thủ nghiêm túc quy định của Nghị định 89/2006/NĐ-CP, tức là trên nhãn mác hàng hoá phải ghi rõ nơi sản xuất sản phẩm.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Tất Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) về vấn đề này.

Việc áp dụng pháp luật không đồng nhất, có doanh nghiệp thì được áp dụng nghị định nhưng doanh nghiệp khác lại được áp dụng thông tư có được coi là một sự công bằng giữa các doanh nghiệp không thưa ông?

- Ông Phạm Tất Thắng: Cái này thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý. Về nguyên tắc, nghị định hướng dẫn thi hành luật, thông tư hướng dẫn thi hành nghị định. Những văn bản hướng dẫn không được trái, không được hướng dẫn vượt quá văn bản được hướng dẫn thi hành,

Thông thường, chúng ta hiểu những văn bản của cấp dưới là để cụ thể hoá văn bản cấp trên. Việc áp dụng pháp luật phải có sự thống nhất, nếu doanh nghiệp áp dụng thông tư cũng được, áp dụng nghị định cũng được, tức là không có tính bắt buộc chung thì tôi cho là trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý.

Chúng ta phải hướng dẫn như thế nào để người thực hiện không thể hiểu khác được văn bản quy định pháp luật và phải áp dụng thống nhất như nhau chứ không thể để tuỳ biến được.

Còn trong trường hợp, nếu có một số doanh nghiệp được áp dụng thông tư mà các doanh nghiệp còn lại buộc phải áp dụng nghị định thì thực sự đó là không công bằng giữa các doanh nghiệp. Tôi cho là ở đây cũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Nếu quy định thống nhất, bình đẳng cho các doanh nghiệp thì không thể có nhiều cách áp dụng pháp luật.

Nếu 89/2006/NĐ-CP quy định là phải ghi rõ nơi sản xuất, trong khi Thông tư liên tịch số 34 lại cho phép không cần ghi rõ mà chỉ cần ghi chung chung (việc truy suất nguồn gốc sản phẩm lại là một vấn đề khác) thì các cơ quan chức năng cũng cần xem lại việc này có phù hợp với quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không.

Đối với các doanh nghiệp là tập đoàn đa quốc gia, tôi nghĩ là họ có cách ghi nhãn mác theo mẫu thống nhất của họ. Nhưng tổ chức sản xuất ở nước nào thì doanh nghiệp phải tuân thủ theo pháp luật của nước sở tại. Còn với doanh nghiệp, nếu lựa chọn được thì chắc chắn họ sẽ chọn cách làm nào đơn giản và do vậy sẽ có chi phí thấp nhất.

Cũng liên quan đến công ty nước giải khát này, vừa qua Kết luận Thanh tra của Bộ Y tế đối với Pepsico Việt Nam còn thể hiện việc doanh nghiệp này thuê gia công sản phẩm tại Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam khi công ty Kirin Việt Nam chưa có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm (ATTP) để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Cục An toàn Thực phẩm cấp trước ngày 3.10.2016. Theo ông, trong trường hợp này, trách nhiệm của các cơ quan chức năng thể hiện ở điểm nào?

- Khi sản xuất một sản phẩm tiêu dùng là đồ ăn, uống liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, rõ ràng phải có Giấy chứng nhận của cơ quan chức năng. Trong trường hợp sản xuất khi chưa có Giấy chứng nhận của cơ quan chức năng (tức là chưa đủ điều kiện để sản xuất mà đã tiến hành sản xuất) thì là sai, buộc phải xử phạt và yêu cầu thu hồi. Tôi nghĩ cơ quan quản lý phải cương quyết. Và ở đây cũng phải tăng cường công tác quản lý để sớm phát hiện ra vi phạm và xử lý.

Cơ quan quản lý nào sẽ là đơn vị ra quyết định xử phạt và thu hồi, thưa ông?

- Đã có quy định về thẩm quyền về xử lý rồi. Nếu cơ quan nào cấp giấy chứng nhận là điều kiện cần để doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thì cơ quan đó sẽ là đơn vị có quyền xử phạt và yêu cầu thu hồi.

Hồi giữa năm 2016, Coca-Cola đã phải dừng lưu thông và thu hồi 13 sản phẩm. Tại thời điểm đó, ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết lý do dừng lưu thông vì chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho việc sản xuất thực phẩm bổ sung. Ông có nghĩ rằng sẽ có một sự việc tương tự như của Coca-Cola đối với Pepsico Việt Nam?

- Về nguyên tắc, làm sai phải bị xử lý và các doanh nghiệp phải được đối xử bình đẳng với nhau trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý. Trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất nước giải khát mà chưa có Giấy chứng nhận của Cục An toàn thực phẩm thì phải bị xử phạt và phải thu hồi, tôi cho là phù hợp.

Ông có nghĩ rằng với việc ghi nhãn mác như của Pepsico Việt Nam thì nếu bị yêu cầu thu hồi những sản phẩm đã gia công của doanh nghiệp Kirin sản xuất trước ngày 3.10.2016 sẽ khó khăn?

- Nếu trong trường hợp bị yêu cầu thu hồi sản phẩm, tôi nghĩ rằng với việc sử dụng mã vạch thì chắc cũng không khó để một doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia như Pepsico Việt Nam có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Và nếu đã truy xuất được nguồn gốc sản phẩm sản suất ở đâu, tập kết ở kho nào, phân phối trên địa bàn nào… thì chắc là việc thu hồi sẽ không khó.

Cám ơn ông!

Cục An toàn thực phẩm sẽ là cơ quan quản lý việc này

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, một chuyên gia ở Tổng Cục đo lường Chất lượng cho hay về nhãn mác, quy định bắt buộc phải ghi rõ nơi sản xuất trên nhãn mác, nếu thiếu là không được.

Đồng thời vị này cho hay Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định rõ như vậy nhưng có một số công ty của Việt Nam làm khác đi, đó là chỉ đề một nơi sản xuất là trụ sở đặt công ty (theo Thông tư liên tịch số 34 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương - PV).

Tuy nhiên, việc thực hiện theo quy định này cũng có yêu cầu, đó là: Nếu sản xuất ở những địa điểm khác nhau mà chỉ ghi địa điểm của trụ sở công ty thì chất lượng sản phẩm ở các nơi phải giống như nhau.

"Vì thế cần phải xem kỹ các công bố chất lượng sản phẩm ở những nơi khác so với công bố chất lượng sản phẩm ở nơi sản xuất chính xem có giống nhau hay không. Và việc này đã được thông báo đến cho các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng các tỉnh chưa?", vị chuyên gia này nói.

Để truy xuất được sản phẩm, theo lời vị chuyên gia này, có thể căn cứ từ lô sản phẩm, kiểu dáng của chai và mã vạch sản phẩm. Và người tiêu dùng hoàn toàn có quyền yêu cầu cung cấp chính xác thông tin về nơi sản xuất sản phẩm.

Còn trước câu hỏi của dư luận: Vậy trước ngày 3.10.2016, Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam có đủ điều kiện An toàn thực phẩm để sản xuất ra sản phẩm để cho Pepsico Việt Nam gia công không, chuyên gia ở Tổng cục đo lường Chất lượng khẳng định:

"Người ta không cho phép anh sản xuất trước thời điểm đó (ngày 3.10.2016) mà anh cho phép người khác sản xuất sản phẩm để gia công là không được, vì hoạt động kinh doanh, sản xuất đồ ăn, thức uống là hoạt động kinh doanh, sản xuất có điều kiện. Trong trường hợp Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Việt Nam sản xuất trước đó là sai. Nếu sai thì bắt buộc phải xử lý và thu hồi. Và lúc này Cục An toàn thực phẩm sẽ là cơ quan quản lý việc này".

(Theo Một thế giới)