Cuối tuần qua, Trần Thị Chi - sinh viên Khóa 24 ngành Kiến trúc Trường ĐH Văn Lang, nhận “quà Noel sớm” khi trở thành người chiến thắng của International Graduation Project Award 2023 - một trong 8 cuộc thi thuộc khuôn khổ Tamayouz Excellence Award, giải thưởng dành cho sinh viên nhóm ngành Kiến trúc, Thiết kế đô thị, Quy hoạch đô thị, Công nghệ kiến trúc và Thiết kế cảnh quan trên toàn thế giới.
Đây là giải thưởng nhằm mục đích tôn vinh những đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên Kiến trúc trên toàn thế giới, giới thiệu các đồ án tiêu biểu đến cộng đồng, góp phần thúc đẩy và khơi gợi góc nhìn mới, đa văn hóa, đa sắc màu trong lĩnh vực. Năm 2023, giải thưởng thu hút 422 đồ án tốt nghiệp của các sinh viên đến từ 141 trường đại học từ 36 quốc gia trên thế giới.
Với danh hiệu Quán quân, Chi sẽ nhận được suất học bổng Thạc sĩ 2 năm tại Trường ĐH Polytechnic Milan (Ý) - trường đại học kỹ thuật lớn nhất nước Ý và có lịch sử lâu đời nhất tại kinh đô thời trang Milan.
Sự lựa chọn vào “giờ chót”
Chi nhớ lại 5 năm trước, trước khi thi tốt nghiệp THPT 2 tháng, cô vẫn chưa chọn được ngành học ở đại học.
“Kiến trúc đến với em như một cái duyên, bởi ở quê em – Lagi, Bình Thuận - khái niệm về “kiến trúc” thật mơ hồ. Sau đó, với sự góp ý của thầy giáo chủ nhiệm, em mới tò mò tìm hiểu và đăng kí tất cả các nguyện vọng thi kiến trúc.
Em bắt đầu học kiến trúc với nhiều sự ngỡ ngàng, vì nó quá khác so với tưởng tượng. Trong thời gian đầu học đại học, đôi lúc em đã phải nghĩ đến trường hợp chuyển ngành. Phải sau năm 3, khi kết quả học tập tốt hơn, em mới tự tin hơn và biết rằng bản thân đang đi đúng hướng”.
Sau 5 năm học tập, cô bắt tay vào thực hiện đồ án tốt nghiệp, là “một thứ gì đó khá “thiêng liêng” đối với sinh viên kiến trúc. Bởi đồ án không chỉ đơn thuần là một bài báo cáo quá trình học tập của 5 năm ở giảng đường mà còn là cơ hội bày tỏ tình cảm cá nhân với những gì mình yêu mến.
Được sinh ra và lớn lên ở vùng đất ven biển Lagi - Bình Thuận, vùng đất của nắng và gió thì biển là thứ gắn liền với tuổi thơ của Chi. Vì vậy, Chi mong muốn làm một thứ gì đó có thể đóng góp và phát triển cho quê hương của mình. Và chủ đề “Bảo tàng Văn hóa biển” chính là gói ghém giấc mơ của cô từ nhỏ.
“Đối với ngành thiết kế nói chung và thiết kế kiến trúc nói riêng, phương pháp làm việc khoa học quyết định khá lớn đến kết quả.
Giai đoạn đặt vấn đề cho đề tài, cho đồ án là một giai đoạn rất khó khăn và nhiều phức tạp. Vấn đề rất nhiều, nhưng để chọn ra vấn đề cốt lõi cần giải quyết phải cần có nhiều phương pháp làm việc khác nhau. Để tìm ý trong giai đoạn Brainstorming, em đã in, cắt dán đầy khắp 2 bức tường phòng mình. Các hình ảnh “pin up” trên tường đã “sống” chung với em suốt 8 tháng thực hiện đồ án".
Chi may mắn được sự hướng dẫn chuyên nghiệp từ các thầy cô trong trường và giảng viên hướng dẫn tốt nghiệp. Từ đó, phương pháp làm việc chính xác không còn là rào cản mà chính là động lực để cô tìm ra cũng như giải quyết các vấn đề gặp phải trong đồ án. Câu slogan “thinking by doing” có thể nói bao quát được quá trình thực hiện đồ án của Chi.
“Em không đặt mục tiêu lớn và kiếm cách đạt được nó ngay lập tức. Mà trong quá trình làm việc, mình giải quyết.
Đồ án tốt nghiệp là một cột mốc khá quan trọng, dường như nó làm em thay đổi về cách nhìn kiến trúc, cảm nhận không gian, cách trình bày, sự chỉn chu... về khối lượng bản vẽ và mô hình đồ án. Em vượt qua được giới hạn của bản thân và còn có thể đạt yêu cầu của giáo viên hướng dẫn.
Sau dấu mốc này, em sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi làm, chỉ mong rằng bản thân sẽ thử, sai và đúng để có nhiều trải nghiệm hơn. Em cảm thấy may mắn, khi gặp những người thầy đúng lúc và đúng thời điểm, em chân thành biết ơn”.
Giải nhất từ nỗ lực và… sự tò mò
Với đồ án “Bảo tàng Văn hóa biển”, Trần Thị Chi làm hồ sơ nộp giải thi Loa Thành - giải đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên kiến trúc trong nước (Chi đã đoạt giải nhì giải Nhì cuộc thi này – PV) và cuộc thi Tamayouz diễn ra sau đó.
“Trong khoảng thời gian vài năm gần đây, em cảm thấy sự hội nhập quốc tế của các sinh viên Việt Nam đã phát triển rất rõ rệt. Rất nhiều anh chị khóa trên ở các trường đào tạo kiến trúc trong nước đã đạt được nhiều thành tích cao ở đấu trường quốc tế. Sự thành công của các anh chị đã là nguồn động lực lớn cho lứa sinh viên đang học tập sự tự tin và những kiến thức thi cử quốc tế khá bổ ích.
Như năm ngoái, đồ án thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM đã đạt giải Nhì đồ án sinh viên quốc tế Tamayouz. Cảm hứng từ các anh chị đi trước truyền lửa cho các thế hệ sau mạnh dạn thử sức với các đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư các nước trên thế giới.
Do đó, sau khi hoàn thành và nộp bài dự thi trong nước, em rất tò mò muốn biết vị trí của đồ án tốt nghiệp của mình được đánh giá thế nào ở môi trường quốc tế. Em hiểu rằng, đây là cơ hội để mình có thể lắng nghe những đánh giá từ những người chuyên môn quốc tế” – Chi chia sẻ.
Tamayouz là một cuộc thi được tổ chức rất bài bản và phải qua nhiều vòng tuyển chọn. Ở mỗi vòng, ban tổ chức đều thông báo kết quả của từng chặng, vòng top 100, top 50, top 20, top 10 và top 3 cùng bài “Winner“. Sự bài bản và thời gian công bố từng chặng kéo dài cũng tạo được rất nhiều niềm vui trong suốt quá trình nhận thông tin kết quả.
“Em luôn đánh giá rất cao tất cả các đồ án và ý tưởng của các ứng viên. Nhưng cũng chính vì đánh giá cao đó, em cảm thấy khá tự hào khi đến vòng top 20 vẫn có đến 7 ứng viên từ Việt Nam. Các bạn cũng tiếp cho em sự tự tin và mong chờ đến những điều tốt đẹp nhất…
Thật sự, việc trở thành “winner” quán quân cùng các bạn quốc tế đồng trang lứa cùng học ngành kiến trúc đã khiến em rất bất ngờ”.
Hiện nay, Chi đã xin được việc làm và khởi đầu công việc với một công ty kiến trúc chuyên nghiệp. Cô đang học hỏi rất nhiều từ anh chị kiến trúc sư đồng nghiệp và kiến thức thực tế. Cô cũng đã có dự định học tiếp để nâng cao kiến thức cũng như tiếp cận được khoa học nghiên cứu để phục vụ cho việc thiết kế.
“Được học bổng thạc sĩ 2 năm ở trường Polytechnic Milan Italy, em rất vui và tự hào với chính bản thân. Cơ hội này quá lớn với sự tưởng tượng của em. Em sẽ thực hiện tiếp “giấc mơ đồ án tốt nghiệp” ra đến “hiện thực” ở Polytechnic Milan" - Chi mong muốn.
Ảnh: Nhân vật cung cấp