Ngày 4/4, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Hội thảo Giới thiệu các Dự án tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam.

Theo đó, trong thời gian thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng (2018 đến 2022), dự tính lượng năng lượng tiết kiệm đạt 0,93 triệu TOE/ năm, trong đó lượng điện năng tiết kiệm 1,853 triệu MWh/năm; lượng than tiết kiệm 1,075 triệu tấn/năm.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững đánh giá: Số tiền tiết kiệm được hàng năm kể từ thời điểm kết thúc dự án khoảng 10,57 nghìn tỷ đồng/năm.

{keywords}
Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề cập tại hội thảo.

Dự án này được chia thành 2 hợp phần, hợp phần thứ nhất là cho vay đầu tư về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng với giá trị 156 triệu USD, trong đó IBRD cho vay 100 triệu USD, 56 triệu USD còn lại do các ngân hàng tham gia (BIDV và VietcomBank) cùng các doanh nghiệp công nghiệp đầu tư.

Hợp phần thứ 2 của dự án là hỗ trợ kỹ thuật với số vốn 1,7 triệu USD gồm: hỗ trợ công tác đánh giá, giám sát dự án; Kiểm toán các hoạt động của Ban quản lý dự án; Kiểm toán các ngân hàng tham gia dự án; Kiểm toán các tiểu dự án vay vốn đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp; Tư vấn đánh giá thực hiện chính sách môi trường và xã hội của dự án.

Lượng khí thải nhà kính (CO2) dự kiến được giảm tới 4,835 triệu tấn/năm là một trong những nỗ lực để thực hiện cam kết của chính phủ về cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), lưu ý, dự tính nguồn điện lưới quốc gia tầm nhìn đến năm 2030 sẽ ngày càng hạn hẹp khi Chính phủ chủ trương dừng các dự án điện hạt nhân, ngoài ra đã khai thác gần như triệt để các nguồn hồ đập thuỷ điện lớn và trung bình do đó tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp là vấn đề rất cấp thiết.

Đề cập đến hệ thống tiết kiệm điện CESS, bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ, Chủ tịch CESS International Corporation (CESS), cho hay: Đây là một công nghệ tiên tiến được CESS ứng dụng nhiều năm qua tại 45 quốc gia, cho tỷ lệ tiết kiệm điện cam kết từ 6% tới 15% với nhiều quy mô nhà máy, toà nhà, cơ quan, khách sạn.

Trong khuôn khổ dự án, Hệ thống tiết kiệm điện CESS đã được triển khai đo kiểm tại Nhà máy Giấy An Hoà, Nhà máy thức ăn chăn nuôi DABACO, Nhà máy may Việt Thắng cho kết quả tiết kiệm điện năng từ 8% tới 10%.

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng đang được các chuyên gia nghiên cứu, đưa vào báo cáo của dự án và khuyến khích ứng dụng mang lại hiệu quả tiết kiệm đáng kể ở quy mô rộng như: lắp đặt hệ thống tiết kiệm điện tại trạm biến áp hoặc tủ phân phối, cải thiện tỷ lệ không khí thừa, làm mát hệ thống máy nén khí bằng nước, lắp đặt biến tần tại các máy phù hợp, thay thế lò trung tần, thay thế lò đốt than bằng lò đốt sinh khối, thu hồi nước ngưng, điều chỉnh áp suất máy nén khí, cải tạp hệ thống chiếu sáng, cải tạo hệ thống hút thải khí,...

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, việc đầu tư vào tiết kiệm năng lượng thời gian qua chưa đạt kết quả như ý. Một trong các nguyên nhân là cơ chế khuyến khích chưa đầy đủ; Các ngân hàng không có động lực cho vay các doanh nghiệp công nghiệp trong các dự án tiết kiệm năng lượng mặc dù tiết kiệm năng lượng là một mục tiêu quan trọng tầm chiến lược của Chính phủ.

Ngoài ra, các dự án tiết kiệm năng lượng khả thi về tài chính phần lớn chưa được tiếp cận vốn; yêu cầu cao về tài sản thế chấp; hệ số thế chấp trên giá trị vay khi cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn cao; Chưa chắc chắn về khả năng thực thi hiệu lực quyền đòi các khoản vay có đảm bảo và không có đảm bảo…

Ông Chu Bá Thi, chuyên gia cao cấp về Năng lượng, WB cho hay: Dự án này thiết lập quỹ để huy động vốn tài chính thương mại, nâng cao tiết kiệm năng lượng cho Việt Nam, hai đối tượng hưởng lợi chính là doanh nghiệp công nghiệp và các đơn vị hỗ trợ thương mại.

Hoài Nam