Khảo sát, liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu 2022 vừa diễn ra là một trong những hoạt động quan trọng của Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu. 

Đoàn Famtrip do ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm Trưởng đoàn cùng gần 100 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp lữ hành trong nước. Ngoài ra, đoàn còn có các đại biểu của tỉnh Phông Sa Lỳ (Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) tham dự. Các địa điểm khảo sát là những địa chỉ du lịch đặc trưng của tỉnh.

Cảnh sắc tươi đẹp, thiên nhiên hùng vĩ của Lai Châu là tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Đoàn đã tham quan Khu du lịch Đỉnh đèo Ô Quy Hồ, Cầu kính Rồng Mây (huyện Tam Đường); tham quan, trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ và thưởng thức ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc H’Mông do chính người dân trong bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ chế biến; tham quan lòng hồ Thủy điện Sơn La; bản Hua Là, bản Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ.

Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây thuộc địa bàn xã Sơn Bình, huyện Tam Đường cách thị xã Sa Pa gần 20km  thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Đoàn đã đi khảo sát các hoạt động du lịch cũng như dịch vụ đối với du khách, tìm hiểu tiềm năng và các thế mạnh chưa được khai thác hết. 

Khi tiến hành khảo sát tại bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ) để xây dựng các tour đến địa phương, đoàn được người dân trong bản giới thiệu về bản Sin Suối Hồ cũng như các đặc điểm tự nhiên, cảnh đẹp, ẩm thực bản địa.

Tiếp đó, Đoàn tiếp tục tham quan lòng hồ Thủy điện Sơn La và trải nghiệm kéo cá lồng tại lòng hồ thuộc xã Nậm Mạ, Sìn Hồ; tham quan, trải nghiệm tại bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu và bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường...  

Các công ty lữ hành trong đoàn Famtrip sẽ tiến hành xây dựng các tour và một số địa điểm khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu. 

Sau khi đi tham quan, trải nghiệm trực tiếp các điểm du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch địa phương, Đoàn sẽ có đánh giá, nhận xét và đưa ra những đề xuất tại buổi tọa đàm. Cùng với đó, sẽ tăng cường truyền thông quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Lai Châu tới các doanh nghiệp lữ hành và du khách; tạo hiệu ứng tích cực để các doanh nghiệp lữ hành 3 miền Bắc – Trung – Nam xây dựng các tour đưa du khách đến với Lai Châu sau sự kiện Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2022...

Sau chuyến khảo sát này, các công ty lữ hành trong Đoàn cũng sẽ tiến hành xây dựng các tour đến đây và một số địa điểm khác trên địa bàn tỉnh. 

Việc khảo sát, liên kết phát triển du lịch mang ý nghĩa quan trọng trong vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu ở thời kỳ thích ứng, an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

Khu vực Cầu kính Rồng Mây ở huyện Tam Đường. 

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu Khóa XIV (2020- 2025) đã xác định: Phát triển du lịch là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng Chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch, với mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; là điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập.

Những năm qua, ngành du lịch tỉnh Lai Châu đã có bước chuyển biến tích cực, từng bước khẳng định sẽ phát triển là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, cảnh quan môi trường tại một số làng, bản cải tạo ngày càng “xanh - sạch - đẹp" và giữ nguyên được không gian văn hóa từng dân tộc. 

Thị trường, dịch vụ du lịch được mở rộng quan tâm, một số sản phẩm du lịch chủ lực được đầu tư và khai thác mang lại hiệu quả nhất định. Công tác kêu gọi, thu hút đầu tư được đẩy mạnh, thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm khảo sát, tìm hiểu; lượng khách du lịch tăng nhanh. Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, hoạt động thông tin tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch được quan tâm, bước đầu góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng hình ảnh du lịch Lai Châu thân thiện, mến khách.

Th. Hân, H. Hải, Bích Thủy