Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu", đề nghị truy tố 54 bị can về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan.

Theo kết luận điều tra, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong, ngoài nước. 

Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Quá trình Cơ quan ANĐT Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án “Chuyến bay giải cứu”, 2 bị can là chủ các doanh nghiệp lại tiếp tục tìm cách móc nối, tiếp xúc với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa hối lộ nhằm “chạy án”, để bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Theo CQĐT, hành vi này của các bị can đã gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan Nhà nước nói chung, cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng, đồng thời gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản cho các cá nhân Nguyễn Thị Thanh Hằng (nguyên Phó TGĐ Công ty Bluesky) và Lê Hồng Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty Bluesky) nên cần phải đưa ra truy tố, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Bị can Hằng đã bàn bạc, thống nhất cùng bị can Sơn móc nối, đưa hối lộ cho các bị can có thẩm quyền hơn 38 tỷ đồng để xin phép thực hiện 109 chuyến bay combo. 

Ngoài ra, từ tháng 1/2022- 12/2022, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng đã bàn bạc, thống nhất giao cho Hằng làm đại diện liên hệ gặp, đưa 2,8 triệu USD để “chạy án” cho Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự. 

Tuy nhiên, CQĐT xác định, chỉ có đủ căn cứ kết luận một người có tên Nguyễn Anh Tuấn đã nhận hơn 2,6 triệu USD từ Nguyễn Thị Thanh Hằng. Vì vậy, CQĐT kết luận Nguyễn Thị Thanh Hằng đã có hành vi đưa hối lộ với số tiền đưa hối lộ trên, tương đương hơn 61 tỷ đồng.

Hành vi của bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng đã phạm vào tội “Đưa hối lộ” với số tiền hơn 100 tỷ đồng, có vai trò đồng phạm với bị can Lê Hồng Sơn. 

Theo kết luận điều tra, bà Hằng vì mong muốn đưa được công dân Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động, học tập, bị kẹt tại nước ngoài về nước theo chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ lao động trong nước thực hiện mục tiêu kép “chống dịch và phát triển kinh tế” nên buộc phải tìm cách liên hệ, móc nối, đưa tiền cho cán bộ có thẩm quyền để được cấp phép chuyến bay. 

Ngay sau khi CQĐT khởi tố vụ án hình sự, nhận thức được hành vi phạm tội của bản thân, ăn năn hối cải, bị can đã có đơn tự thú, tự nguyện trình bày hành vi phạm tội của bản thân, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án.

Theo kết luận điều tra, bị can Lê Hồng Sơn phạm tội “Đưa hối lộ” quy định tại khoản 4, Điều 364 BLHS, với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị can Lê Hồng Sơn đã nhận thức được hành vi phạm tội của bản thân, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; cùng bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng nộp lại hơn 2,6 tỷ đồng mà các bị can nhận hối lộ đã trả lại sau khi khởi tố vụ án hình sự; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án...