Khôi phục hoạt động sản xuất
Là một doanh nghiệp lớn có tới 13 công ty thành viên, trong đó có 3 công ty đặt tại Bình Dương, với gần 2.600 nhân viên, nhưng kể cả thời điểm Covid-19 căng thẳng nhất, Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành chưa phải đóng cửa một ngày nào mà vẫn duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Lý do được ông Nguyễn Trọng Hiếu, Tổng giám đốc Gỗ Trường Thành cho biết, ứng dụng giải pháp công nghệ đã giúp đem lại sự tự tin trong công tác quản trị vận hành, quản trị rủi ro và dịch tễ của cán bộ, nhân viên, giúp giảm chi phí vận hành.
Trong lúc này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các đơn vị về công nghệ, đưa ra giải pháp đồng bộ tự động hoá quy trình kiểm soát cơ bản nhanh chóng, theo thời gian thực và không có sự can thiệp của con người. “Chỉ trong vòng 48 giờ, chúng tôi đã triển khai xong cho hơn 2.000 cán bộ, nhân viên”, ông Hiếu thông tin.
Còn theo ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc (Bình Dương) chuyên sản xuất nội thất từ gỗ, khi vào giai đoạn bình thường mới, công ty chuyển đổi sang mô hình “3 xanh”, tiết kiệm được 70% chi phí so với mô hình “3 tại chỗ”. Qua đó, giúp công nhân có tâm lý yên tâm khi về với gia đình, cộng đồng, giúp năng suất lao động ổn định.
Doanh nghiệp gỗ thích ứng sản xuất an toàn, sẵn sàng bứt tốc sau đại dịch |
Trên thực tế, khi nhập cuộc trở lại sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, các doanh nghiệp đều chịu tác động trên nhiều vấn đề: Chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tiêu thụ, lực lượng lao động, chi phí phát sinh trong phòng, chống dịch... Dù rất cấp thiết trong việc khôi phục sản xuất để giữ các đơn hàng và không để chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng doanh nghiệp đều đồng thuận chủ trương “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, từ đó có biện pháp triển khai phù hợp nhất.
Nghị quyết 128 của Chính phủ thực sự đã tháo gỡ những rào cản trong giai đoạn khôi phục sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi nhấn mạnh các biện pháp chống dịch của các địa phương không được gây cản trở luân chuyển hàng hóa và các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như việc di chuyển của người dân giữa các tỉnh, thành phố. Nghị quyết quy định, kể cả khi dịch ở mức nguy cơ rất cao - cấp độ 4, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và sản xuất vẫn được phép hoạt động, miễn là phải có biện pháp phòng chống dịch.
Với các doanh nghiệp ngành gỗ, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), tốc độ phục hồi sản xuất kinh doanh cũng cải thiện rất nhanh so với các tháng trước đây. Nhờ giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 945 triệu USD trong tháng 10, tăng mạnh 35,6% so với tháng trước, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này trong 10 tháng đạt 12,08 tỷ USD, tăng 23,4%, tương ứng tăng 2,29 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
So với các tháng 7- 9/2021, tốc độ hồi phục của ngành gỗ là đáng "kinh ngạc". Đặc biệt theo khảo sát trước đó của Viforest, ảnh hưởng của dịch bệnh từng khiến hơn một nửa số doanh nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM phải ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp còn lại cũng phải cắt giảm công suất, cố gắng duy trì khoảng 60% đến 70% lượng công nhân làm việc.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến thời điểm này, dịch Covid-19 cơ bản dần được kiểm soát, nhiều địa phương đã từng bước mở cửa và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh hơn dự đoán so với 3 tháng trước. Đây là tín hiệu rất tích cực để ngành lấy lại đà tăng trưởng.
Sẵn sàng bứt tốc sau đại dịch
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, bước sang tháng 11, cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi sinh hoạt xã hội cũng dần được nối lại theo hướng bình thường mới. Tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương nhận định, thực tế ghi nhận hoạt động của ngành chế biến gỗ, nội thất Việt Nam trong 2 năm xảy ra dịch bệnh cho thấy các doanh nghiệp có khả năng chống chịu rất tốt. Hoạt động hỗ trợ, định hướng của hiệp hội ngành nghề đạt hiệu quả cao, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và giữ được chân khách hàng, kể cả trong giai đoạn khó khăn nhất.
Tốc độ phục hồi sản xuất kinh doanh cải thiện rất nhanh. |
Ông Vũ Bá Phú cho rằng, đã qua giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp ngành gỗ khi Chính phủ và các địa phương chuyển chiến lược “thích ứng linh hoạt, an toàn” để mở cửa cho hoạt động sản xuất vào thời điểm thị trường đồ gỗ, nội thất đang sôi động. Thêm vào đó, quy mô thị trường đồ gỗ, nội thất toàn cầu rất lớn và được dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Việt Nam dù là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ nhưng còn chiếm tỷ trọng nhỏ, còn rất nhiều dư địa để gia tăng thị phần.
Về nội lực, nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã được cải thiện khá tốt thông qua phát triển rừng trồng, đến nay đã chủ động được 75% nhu cầu nguyên liệu hàng năm. Các doanh nghiệp ngành gỗ cũng cho thấy sự năng động, linh hoạt, khi tận dụng tốt các kênh thương mại một cách hiệu quả.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, nửa đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng tới hơn 60% so với cùng kỳ năm 2020 và là ngành có tăng trưởng ấn tượng nhất. Do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư tại các tỉnh, thành phía Nam, kim ngạch xuất khẩu các tháng 7,8,9 đã giảm và chỉ còn tăng 32% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, đến cuối tháng 9, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt mức 12 tỷ USD.
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, nếu việc khôi phục sản xuất được đẩy nhanh, trong 3 tháng cuối năm mỗi tháng xuất khẩu đạt 800 triệu USD đến 1 tỷ USD thì ngành gỗ và lâm sản có thể đảm bảo mục tiêu mang về 14,5 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm, thậm chí có thể sẽ cán đích xuất khẩu 15 tỷ USD.
Vũ Điệp