‘Dở khóc dở cười’ hậu Covid-19

Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho thấy, lượng khách du lịch dịp Tết Nguyên đán 2022 tăng đột biến, báo hiệu thị trường du lịch đang phục hồi mạnh mẽ sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19.

Nhưng cũng chính trong thời điểm này, có hàng tá câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra. Một khách sạn 5 sao với cơ sở hạ tầng tuyệt đẹp, phòng ốc mới tinh, thiết bị hiện đại, nhưng quên dọn phòng cho khách vì “sinh viên làm nên bỏ sót”. Nhân viên một quán cafe cạnh bãi biển Nha Trang xinh đẹp, sang trọng nhưng “tưởng cafe với trà như nhau”. Một bể bơi lớn có thể đón hàng trăm khách đến mỗi ngày nhưng người mặc đồ cứu hộ lại… không biết bơi.

Khách gặp chuyện cũng chỉ có thể cười trừ vì ai cũng hiểu rằng Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn là những ngành bị tổn thương nặng nề nhất trong hơn 2 năm vừa qua. Họ buộc phải cắt giảm nhân sự để tồn tại. Và khi quay trở lại, họ rơi vào tình cảnh thiếu nhân lực có chuyên môn.

{keywords}
 

Ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn “tan tác” vì Covid-19

Theo thống kê từ 218 Doanh nghiệp & 523 người lao động ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, do JobsGO và Mytour triển khai cuối tháng 02/2022: 94,1% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Trong số đó, có 49,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã thu nhỏ quy mô và hoạt động cầm chừng trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra. 33,2% doanh nghiệp đóng cửa tạm thời và 11,4% doanh nghiệp đóng cửa hoàn toàn. Những doanh nghiệp nhỏ, ít nhân sự với nguồn vốn thấp chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả.

Xét về khía cạnh người lao động, trong số 523 người tham gia khảo sát, có tới 35,5% người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, 18,4% chuyển hẳn sang một công việc trái ngành và 19,5% làm các công việc thời vụ để duy trì cuộc sống. 21,4% người lao động tiếp tục làm việc, dù vậy thu nhập của họ đã bị giảm đáng kể. Rõ ràng, khi doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 thì người lao động cũng khó có thể tránh khỏi khó khăn.

Dẫu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, song theo báo cáo của JobsGO, từ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần tới nay, 65,2% doanh nghiệp ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn đã trở lại “đường đua”. 21,2% doanh nghiệp có kế hoạch trở lại sau 1 - 2 tháng tới, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Và 91,3% người lao động ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn tham gia khảo sát cho biết họ sẽ quay trở lại làm việc.

Mặc dù cả doanh nghiệp và người lao động đã sẵn sàng trở lại hậu Covid-19; nhưng họ đều đang gặp phải nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng và tìm kiếm việc làm.

{keywords}
 

Doanh nghiệp tuyển dụng cầm chừng dù người lao động đã sẵn sàng

¾ doanh nghiệp ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn gặp khó khăn về tuyển dụng; trong số đó, 52,2% đơn vị gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự có chuyên môn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết dù khó nhưng vấn đề nhân sự không trầm trọng như nhiều chuyên gia đã dự đoán.

Đáng lưu ý là, theo số liệu thống kê từ JobsGO, 24,2% người lao động ngành này cho biết họ thấy ít doanh nghiệp tuyển dụng.

Điều này có thể là do các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động cầm chừng vì còn nhiều điều “mơ hồ” trong các chính sách liên quan đến việc mở cửa du lịch từ ngày 15/03 tới đây. Một số doanh nghiệp chia sẻ, dù đã hoạt động, nhưng họ vẫn chưa có kế hoạch tuyển dụng rộng rãi.

Ông Phạm Thanh Hải - CEO JobsGO cho biết "Hiện tại các doanh nghiệp Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn có thể thấy vấn đề nhân sự chưa quá căng thẳng mặc dù nhiều khu du lịch đã có dấu hiệu quá tải trong thời gian vừa qua. Khi du lịch mở cửa hoàn toàn và cho phép đón du khách quốc tế, nhu cầu nhân sự trong ngành sẽ còn tăng cao. Nếu không đi trước đón đầu và nhanh tay thu hút tuyển dụng các nhân sự có kinh nghiệm quay lại ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp sẽ lỡ nhịp đà phục hồi và bị các đổi thủ bỏ rơi lại đằng sau”.

Doãn Phong