Bối cảnh và thách thức của ngành hóa chất sau COVID-19

Sau sự tàn phá của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp hóa chất tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức chưa từng có từ thị trường. Sự thay đổi trong quy định cả trong nước và quốc tế về sản xuất xanh buộc ngành phải nhanh chóng thích nghi. Đặc biệt, tiêu chuẩn về sản xuất xanh trong ngành hóa chất đang ngày càng khắt khe, yêu cầu các công ty phải đổi mới và cải tiến để đáp ứng yêu cầu này.

Tuy nhiên, đầu tư cho sản xuất và tăng trưởng xanh là hoạt động đòi hỏi mức đầu tư rất cao, và khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải cũng tương đối là lớn.

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) nêu thực tế, để chuyển dịch năng lượng thì các đơn vị thành viên sẽ phải đầu tư nâng cấp công nghệ và một vài doanh nghiệp sẽ phải đầu tư mới, đầu tư mới hoàn toàn. Việc này là rất khó trong giai đoạn hiện nay, khi doanh nghiệp vừa gặp khó về vốn đầu tư, vừa gặp khó về công nghệ và kỹ sư vận hành.

Đại điện Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chia sẻ, mặc dù đã đầu tư mọi nguồn lực trong nỗ lực cải tiến nhằm giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ môi trường, tuy nhiên với thực tế các thiết bị máy móc trong các dây chuyền của Công ty mặc dù đã được cải tiến nhưng vẫn còn lạc hậu, điều này khiến Công ty gặp không ít khó khăn. Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK, rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện công tác quản lý, kiểm kê KNK, hướng đến mục tiêu chung của Quốc gia là đưa mức phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào năm 2050.

vinachem1 1639964109 16417349691231922382453.jpeg

Chiến lược "xanh" giúp bài toán dần được giải

Một trong những cải tiến rõ rệt đã được ghi nhận là việc tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho doanh nghiệp. Vinachem đã dẫn đầu trong xu hướng này, bằng cách triển khai các biện pháp kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Vinachem, chia sẻ rằng các chính sách định hướng và hành động cụ thể đã được thực hiện nhằm đạt được mục tiêu này.

Vinachem đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, như văn bản số 302/HCVN-KT và số 1414/HCVN-KT, chỉ đạo các thành viên kiểm kê khí nhà kính trong các năm qua và triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải. Kế hoạch này nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Một bước đi tiên phong khác là chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch. Vinachem đã triển khai chiến lược phát triển năng lượng hydrogen theo quyết định của Chính phủ. Nhờ đó, việc kiểm kê và giảm nhẹ khí nhà kính của các doanh nghiệp được thực hiện hiệu quả. Doanh nghiệp không chỉ cung cấp số liệu chi tiết phục vụ công tác kiểm kê mà còn chủ động trồng cây xanh tại nhà máy, tăng diện tích cây xanh lên hơn 15%.

Các công ty thành viên như Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình và Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã đầu tư vào hệ thống thu hồi khí CO2, lắp đặt điện mặt trời áp mái nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp. Tập đoàn cũng đẩy mạnh trồng cây, tăng khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon, qua đó, nâng cao giá trị môi trường và giảm thiểu ô nhiễm.

hoa chat duc giang.webp

Một số doanh nghiệp đã thực hiện sáng kiến đáng kể, như sử dụng phế phẩm nông nghiệp (trấu, củi trấu, củi mùn cưa) để làm nhiên liệu vận hành, tiết kiệm điện bằng cách chuyển sang sử dụng đèn LED. Trong vấn đề trách nhiệm môi trường, Công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam đã hợp tác với các đơn vị có chức năng xử lý chất thải, thu gom sản phẩm để tái chế, sử dụng.

Đáng chú ý, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã hỗ trợ khách hàng trong việc xử lý chất thải. Tập đoàn đã thực hiện nhiều quy định và chủ trương của Nhà nước về chuyển dịch năng lượng, đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo, giúp các doanh nghiệp chuyển dịch sang sử dụng nguyên liệu xanh, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh.

Nhìn về tương lai, các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam cần không ngừng đổi mới và tạo dựng chiến lược bền vững, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa đảm bảo trách nhiệm môi trường. Tăng cường hợp tác với Chính phủ và các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính và kỹ thuật để vượt qua thử thách là cần thiết.

Chỉ khi đó, ngành hóa chất mới có thể khẳng định được vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, đồng thời theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội. Triển khai chiến lược sản xuất và tăng trưởng xanh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội.