Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Vĩnh Phúc hiện có 16 DN nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các ngành: xe máy, điện tử, ô tô, máy nông nghiệp và cơ khí chế tạo của các Công ty FDI tại Việt Nam.

Số lượng này chiếm 5% trong hơn 300 DN toàn quốc là nhà cung cấp lớp 1 của các Công ty FDI, xếp thứ 4, chỉ sau Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh. Tuy vậy quy mô DN (theo lao động) của Vĩnh Phúc nhỏ hơn hầu hết các tỉnh trong bảng xếp hạng của VASI.

Sản xuất may mặc ở Vĩnh Phúc

Theo kết quả khảo sát của Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, có 64% DN Vĩnh Phúc đã hoặc đang liên kết với các doanh nghiệp FDI, còn lại 36% chưa từng liên kết với FDI.

Trong số đã liên kết, 75% cho biết khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, 25% ở các tỉnh lân cận. Trong số các doanh nghiệp đã/đang liên kết với doanh nghiệp FDI, có 67% số doanh nghiệp đã hoặc đang nhận được sự hỗ trợ từ phía các khách hàng là doanh nghiệp FDI, trong khi đó 33% chưa nhận được hỗ trợ.

Các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp FDI dành cho các doanh nghiệp DDI khá đa dạng, trong đó, tập trung vào một số hình thức chính: Hỗ trợ áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến (75%); Hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật (50%); Cử chuyên gia đánh giá (50%).

Một số hình thức hỗ trợ ít được thực hiện hơn gồm có:  Hỗ trợ đào tạo công nhân (25%); Giới thiệu đơn vị hỗ trợ (25%). Các hình thức hỗ trợ như Đào tạo về thương mại; Giới thiệu khách hàng mới; Chuyển giao công nghệ…, các doanh nghiệp được khảo sát chưa nhận được từ phía các khách hàng FDI.

Hoạt động hỗ trợ khách hàng dành cho các công ty thường được sử dụng nhất là cử chuyên gia kỹ thuật tới hỗ trợ Công ty về đánh giá sản phẩm, quy trình sản xuất, góp ý áp dụng một số cải tiến trong sử dụng máy móc, bố trí lao động, quy trình kiểm tra chất lượng… để các sản phẩm của Công ty đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Các hoạt động hỗ trợ này tùy thuộc vào mức độ phức tạp của sản phẩm Công ty đang cung cấp cũng như khả năng đáp ứng hiện tại của Công ty so với yêu cầu của khách hàng.

Theo kết quả khảo sát, khi so sánh khả năng tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Vĩnh Phúc và các nhà cung cấp tại các địa phương khác, hầu hết cho rằng các doanh nghiệp của tỉnh có khả năng tham gia ngang bằng (67,6%) và kém hơn (23,5%). Chỉ có 8,8% cho rằng khả năng tham gia chuỗi tốt hơn, đây là đánh giá của các Công ty điện tử, trong khi khu vực này không có NCC Vĩnh Phúc nào tham gia.

Đánh giá lĩnh vực tiềm năng có thể thúc đẩy liên kết với các FDI cho thấy,  đối với lĩnh vực xe máy, đây là khu vực liên kết đã phát triển nhất ở Vĩnh Phúc, với sự có mặt của DN nội địa tỉnh ở hầu hết các lớp trong chuỗi cung ứng.

Các DN CNHT Vĩnh Phúc cung cấp cho Honda và Piaggio cũng đã tham gia vào chuỗi xe máy của các hãng khác (Yamaha, Vinfast), tham gia vào chuỗi cung ứng ngành điện tử gia dụng (LG, Panasonic), tham gia vào chuỗi cung ứng ngành máy nông nghiệp (Yahata), có tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô (Toyota). 

Mặc dù thị trường ngành xe máy tại Việt Nam đang dần dần bão hòa, theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2030, đây vẫn là ngành có dung lượng thị trường lớn nhất trong các ngành công nghiệp chế tạo, với sản lượng trung bình khoảng 2,5-3 triệu xe/năm.

Bên cạnh đó, thị trường phụ tùng thay thế chính hãng cho khoảng 36 triệu xe máy đang lưu thông (2020) là thị trường khổng lồ cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Tại Vĩnh Phúc, dù Honda Việt Nam không tìm nhà cung cấp cấp 1 nữa, nhưng cơ hội tham gia vào chuỗi ở các lớp dưới còn nhiều. Do có các lớp trên đã phát triển, các công ty khởi sự nhỏ có thể xuất phát từ đây và phát triển tùy theo năng lực và sự hỗ trợ. Chuỗi xe máy trong tương lai gần cũng có cơ hội phát triển với xe máy điện. Ngoài ra, điểm đặc biệt quan trọng là khả năng cung cấp cho các khách hàng khác cùng trong ngành xe máy dễ dàng, như máy nông nghiệp, cơ khí chế tạo...

Các DN cũng có cơ hội tham gia thị trường xuất khẩu: máy nông nghiệp, xe đạp xe máy, máy cơ khí nhỏ có động cơ, máy cơ khí cầm tay. Các DN mạnh và phát triển tốt sau vài năm có thể nâng cấp dây chuyền, đầu tư mở rộng để cung cấp cho ô tô, điện tử.

Với lĩnh vực ô tô, do đặc điểm dung lượng thị trường ngành ô tô Việt Nam quá thấp, dưới 300.000 xe/năm, lại phân bổ ở hàng chục mẫu xe khác nhau, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.

Tại Vĩnh Phúc, đã có Công ty DDI  cấp 1 và cấp 2 nhưng sản lượng nhỏ. Mặc dù thị trường ô tô hiện nay còn rất nhỏ, đây là ngành rất hứa hẹn có tiềm năng phát triển ở Việt Nam, với dân số 100 triệu người và chính sách chính phủ đang khuyến khích tiêu dùng ô tô, nên đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn trong vòng 5-10 năm tới, đặc biệt là ô tô điện.

Sự phát triển của các Công ty ô tô Việt Nam như Vinfast và Thaco, chuỗi cung ứng ô tô tại nội địa có thể phát triển nhanh và có sự chủ động của Công ty đầu chuỗi là DN Việt Nam. DN CNHT có thể phát triển từ nhà cung cấp xe máy hiện tại, do đó có sự kết nối giữa nhà cung cấp cho xe máy và cho ô tô.

Với lĩnh vực may mặc, hiện nay đã có khoảng 20 công ty FDI ngành may đầu tư vào Vĩnh Phúc. Trong đó, có DN Vĩnh Phúc (Hồng Sơn) đã tham gia liên kết thành công ở lớp thứ 1 cho HJC Việt Nam (sản xuất mũ bảo hiểm/thể thao). Mặc dù là nhà cung cấp lớp 1 sản xuất phần may cho HJC, các yêu cầu về hệ thống quản lý đối với Công ty Hồng Sơn là không bắt buộc, Công ty hiện chưa áp dụng hệ thống ISO trong quản trị sản xuất. 

Thị trường chuỗi cung ứng ngành may ở Việt Nam cũng không phát triển. Hầu hết các Công ty may Việt Nam gia công thuê trực tiếp cho khách hàng là các thương hiệu trên toàn cầu, ít có Công ty chỉ trở thành nhà cung cấp gia công cho các Công ty may mặc FDI tại Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực thâm dụng lao động cao, không phù hợp với thu hút đầu tư, cả FDI lẫn DDI vào Vĩnh Phúc hiện nay. 

Sản xuất điện tử ở Vĩnh Phúc

Có thể nói, đến năm 2030, có 04 lĩnh vực ưu tiên (để tập trung phát triển liên kết giữa DN nội địa trên địa bàn và DN FDI. Đây là các ngành có tiềm năng lan tỏa FDI sang DDI và mức độ hấp thụ vốn từ FDI sang DDI cao nhất nên tập trung kêu gọi thu hút FDI, bao gồm cả các nhà sản xuất lắp ráp đầu chuỗi và các Công ty FDI cung ứng ở lớp 1 là xe máy (ưu tiên xe điện, xe chất lượng cao); Điện tử gia dụng; 3. Máy nông nghiệp và cơ khí chế tạo; 4. Ô tô, ô tô điện và linh kiện ô tô.

Các lĩnh vực công nghiệp chế tạo này có mối liên quan chặt chẽ với nhau, nên các Công ty Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của không chỉ 1 ngành, do đó có cơ hội tận dụng hết công suất sản xuất của mình

Theo đó, các DN Việt Nam có thể ưu tiên đầu tư bao gồm 3 lĩnh vực, ở tất cả các lớp cung ứng: 1. Linh kiện cơ khí (khuôn, gá, dập, đúc, hàn, uốn, gia công CNC, tự động hóa...); 2. Linh kiện nhựa - cao su (đúc, ép, thổi, nhựa - sao su, và khuôn nhựa - cao su liên quan); 3. Linh kiện điện - điện tử (cụm dây điện, pin, bộ dây sạc, các linh kiện điện tử chuyên dụng...). Cơ hội thị trường của các ngành này cũng rất rộng mở, không chỉ tại Vĩnh Phúc mà ở khu vực phía Bắc, trên cả nước, cũng như thị trường xuất khẩu khắp các châu lục.

Văn Quý