Liệu chiếc chìa khóa dân chủ có thể mở được những bất cập của “ổ khóa” DN tư nhân hay không? Đó có lẽ cũng là một… bí ẩn của lịch sử, sẽ được trả lời trong thì tương lai không xa.

Ngẫu nhiên, có hai thứ động lực trong XH trước sự kiện Việt Nam thành công trong việc đàm phán tham gia TPP- Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương, được đề cập, được xác định và minh định cụ thể trong tuần này- những điểm mới đáng bàn trong muôn vàn điểm mới hứa hẹn hội nhập.

Đó là kinh tế tư nhân- động lực phát triển của XH.

Đó là dân chủ- động lực để kinh tế tư nhân có thể bứt phá, cạnh tranh bình đẳng trong môi trường kinh doanh lành mạnh đúng nghĩa. Động lực nọ kích thích… động lực kia.

Thể chế nào doanh nhân ấy”

Xin được mượn câu nói của ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng khi nhận xét về doanh nhân nước Việt hiện nay.

Công bằng mà nói, sau thông tin đàm phán thành công gia nhập TPP,  giới doanh nhân khu vực kinh tế tư nhân lại chính là giới phấn chấn nhất. Từ những doanh nhân khu vực kinh doanh, sản xuất, đến truyền thông, và cả giới luật, cũng hoan hỉ trước tin này. Từng trải trong “chiến trận” kinh doanh ở một môi trường cạnh tranh bất bình đẳng lâu nay, phải khôn ngoan và… già đời lắm mới có thể trụ lại, nên họ đặt hy vọng vào ván cờ TPP đầy thách thức nhưng cũng không ít cơ hội nếu có thực tài.

{keywords}

Ván cờ TPP đầy thách thức nhưng cũng không ít cơ hội nếu có thực tài

Mặt khác, phải nói rằng, doanh nhân nước Việt và môi trường kinh doanh nước Việt hàm chứa đầy đủ cái hay cái dở, cái mạnh cái yếu, phản chiếu sinh động thể chế kinh tế mà họ gắn bó với tất cả tầm nhìn và hạn chế của chọn lựa và định mệnh lịch sử. Nơi này ấm nơi kia lạnh. Nơi này chiều chuộng nơi kia khắc nghiệt. Nơi này nên vương nên tướng, nơi kia mong manh phá sản. Nụ cười, và mồ hôi nước mắt khác nhau một trời một vực

Nhưng thế nào là doanh nhân?

Không phải ngẫu nhiên ông Giản Tư Trung, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển GD (IRED) và Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, trong bài viết của mình trên Tuổi trẻ, ngày 13/10, đã minh định khái niệm này. Ông cho rằng, cần xem xét khái niệm "doanh nhân" trong mối tương quan chặt chẽ với khái niệm "doanh nghiệp". Theo ông, đó là một tổ chức làm kinh doanh, kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, là người cùng doanh nghiệp mình sáng tạo ra các giải pháp, dẫn đến các thành phẩm, sản phẩm đáp ứng cả một chuỗi trông cậy của cộng đồng, xã hội. Hiểu như thế để thấy rằng không phải cứ bỏ tiền ra mở công ty là mặc nhiên trở thành doanh nhân, bởi "chiếc áo không làm nên thầy tu".  

Nói cho đúng, doanh nhân là con đẻ của thể chế họ đang sống, của thời đại họ đang phụng sự. Thể chế nào, doanh nhân ấy!

Và tầm cao của các doanh nhân- góp phần vào tiến trình phát triển của mỗi quốc gia cũng rất khác nhau. Trên thế giới, các nước có nền kinh tế thị trường hàng trăm năm, đã sản sinh ra những doanh nhân tên tuổi lẫy lừng. Họ là những người gián tiếp tạo ra những chiếc đòn bẩy để “bẩy” dân tộc họ và nhân loại chuyển động, đồng nghĩa với sự phát triển. Có thể kể tới hàng chục gương mặt những doanh nhân vĩ đại, mà nhân loại phải kính nể bởi tài năng sáng tạo phi thường phục vụ cộng đồng, đem lại sự giàu sang cho thân thế, gia tộc và làm nên tên tuổi họ.

Như Henry Ford - người đàn ông đã được mệnh danh "đặt cả thế giới lên bốn bánh xe”. Như Carlos Slim Helu – tỷ phú chi phối toàn bộ một hệ thống viễn thông của Mexico. Như Ted Turner - Chủ tịch Quỹ Liên hiệp quốc, “cha đẻ” hãng CNN- kênh truyền hình quan trọng nhất ở Mỹ. Như Richard Branson -doanh nhân và nhà đầu tư người Anh, nhà sáng lập của Virgin Group, bao gồm 400 doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề. Như Steve Jobs - cựu tổng giám đốc điều hành của Apple, một huyền thoại về công nghệ, tên tuổi ông gắn liền với các sản phẩm nổi tiếng iMac, iPod, iPhone… Như Warren Buffett – Giám đốc Quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO, nhà đầu tư huyền thoại với triết lý độc đáo: "Nguyên tắc số 01: Không bao giờ để mất tiền; nguyên tắc số 02: Không quên nguyên tắc số 01."v..v…

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng so sánh cũng là cách để hiểu sự phát triển của quốc gia mình đang đứng ở đâu.

Trong khi đó, ở nước Việt, nơi kinh tế thị trường mới manh nha và tuổi đời chỉ 30 năm, còn rất bấy bớt, diện mạo doanh nhân nước Việt cũng… rưa rứa, như nền kinh tế thị trường non trẻ. Cho dù đến thời điểm này, đã có tới hơn 600.000 doanh nghiệp. Cho dù, trong quá khứ, thời Pháp thuộc, VN cũng đã có những doanh nhân làm nên tên tuổi lớn như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô…

Mặt khác, nền tảng lý luận về kinh tế thị trường của VN không giống bất cứ quốc gia nào, cho đến thời điểm này vẫn như trái nho xanh, còn chưa… chín. Chính vì vậy, mà thực tiễn phát triển kinh tế của nước Việt luôn ở tình trạng vừa học vừa mần vừa… sáng tạo- cách tư duy và hành động mang đậm dấu ấn của ý thức hệ tư tưởng, trong khi đó thực tiễn luôn có những thước đo giá trị của thời đại.

Vừa học vừa mần, nên sự phát triển khó có nhiều nhiều vị… ngọt. Trả lời Tuần Việt Nam, ngày 13/10, về nhận xét của người đứng đầu CP, khi cho rằng trong một sản phẩm mà DN sản xuất ra hiện có đến 52% giá trị gia tăng là vốn, 27-28% là sức lao động; và trước thực tiễn thông tin của báo chí, năng suất lao động của nước ta quá thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng, lỗi cũng không phải do… doanh nhân.

{keywords}

Doanh nhân là con đẻ của thể chế họ đang sống. Ảnh minh họa

Bởi theo ông, giá trị gia tăng của kinh tế VN hiện nay chủ yếu do vốn lao động, mà năng suất lao động tổng hợp không bao nhiêu thì gốc gác chính là do chủ trương chính sách đầu tư, hai là phương thức đầu tư.

Chính sách đầu tư là chủ trương đầu tư ở DNNN, hiểu sai lệch chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nhà máy bằng bất cứ giá nào, dẫn đến việc sản xuất mặt hàng trùng lặp.

Phương thức đầu tư là không chủ trương tạo nên giá trị gia tăng bằng năng suất lao động mà lập những DN gia công, chế biến, làm thuê hay khai thác và bán tài nguyên thô. Năng suất lao động tổng hợp thấp chính là ở khu vực DNNN, cũng không phải khu vực DN tư nhân.

Về mặt ý tưởng và lý luận, hẳn các nhà kinh tế nước Việt đều mong muốn DNNN là rường cột của nền tảng kinh tế khi các DNNN này luôn được ưu đãi về mọi chính sách đầu tư: Tài chính, đất đai, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, thuế má…. Tuy nhiên, chính sự ưu ái đó, phản chiếu mang nặng dấu ấn của tư duy thời cơ chế bao cấp xin- cho, ban phát.

Đó chính là kẽ hở… to tướng cho lợi ích nhóm nảy nở, mà kết quả thấy rõ nhất là tệ nạn tham nhũng đã thành quốc nạn, vô tình là “con đẻ” của lối tư duy này. Sự ưu ái đó, tiếc thay đã không kích thích nổi sức dài vai rộng, vai trò động lực của các DNNN. Không phủ nhận có những DNNN trong các lĩnh vực viễn thông, dầu khí, điện lực đã làm tốt bổn phận của mình, đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, góp phần phát triển kinh tế XH. Nhưng nhìn toàn cục, các DNNN vẫn chưa tương thích với vai trò trụ cột, khi mà mới chỉ đóng góp được gần 20% GDP.  Ngược lại, tham nhũng nghiêm trọng đến mức, theo ông Vũ Quốc Tuấn, tệ nạn này trong những công trình xây dựng bằng vốn nhà nước rất cao, đến 20 - 30%.

Ở mặt bên kia của môi trường kinh doanh, các DN tư nhân hoạt động mang tính tự phát, ngắn hạn trong tư duy, phong cách điều hành ăn xổi ở thì, thiếu chiến lược và cung cách quản trị làm ăn lớn. Nhưng quan trọng hơn cả, mặc dù đóng góp 39% tổng đầu tư toàn xã hội và khoảng 50% GDP, như Báo cáo Chính trị mới đây thừa nhận, họ không có được những ưu thế trong hỗ trợ các chính sách về đầu tư tài chính, đất đai, thuế má, chưa kể còn bị gây khó dễ trong các điều kiện kinh doanh. Sự bất bình đẳng trong chính môi trường kinh doanh khiến các DN tư nhân thấy mình hệt… “con nuôi”.

Trong môi trường cạnh tranh bất bình đẳng đó, liệu có không những doanh nhân làm nên tên tuổi lớn một cách sòng phẳng, minh bạch?

Chỉ khi TPP ngấp nghé, một vấn đề sống còn được đặt ra, đó là kinh tế tư nhân phải là một động lực của nền kinh tế nước Việt.

Dân chủ là động lực

Có điều, muốn DN tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, có một loại chìa khóa cực kỳ quan trọng có thể mở những bất cập của DN tư nhân, thúc đẩy họ vượt lên chính mình và khẳng định tài năng. Đó chính là dân chủ, là thể chế tương thích.

Nhưng đây cũng là vấn đề… hóc búa không kém. Bởi nó đòi hỏi quyết đoán thay đổi về tư duy, nhận thức và quan trọng nhất là các chính sách hành động.

Lịch sử vẫn luôn lặp lại, dù cấp độ khác nhau.

Trả lời TBKTSG (ngày 10/10), ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ đã rất thẳng thắn, khi phân tích sự khác biệt giữa công cuộc Đổi mới năm 1986, và yêu cầu hội nhập TPP lần này. Đó là nếu như Đổi mới năm 1986 Nhà nước mở ra cho tư nhân phát triển, thì cải cách hiện nay  trước yêu cầu hội nhập TPP, phải là cải cách… nhà nước. Phải thay đổi chức năng, vai trò, vị trí, cơ cấu tổ chức của nhà nước bao gồm cả bên hành pháp, tư pháp, lập pháp; cải cách trong nội bộ các nhánh quyền lực thì mới thay đổi được năng lực quản lý. Tức phải đổi mới toàn diện.

Còn người viết bài cho rằng, xét cho cùng, mọi cuộc đổi mới hay cải cách, thông thường cái mới nảy sinh từ cơ sở - như hiện tượng Kim Ngọc trong nông nghiệp dẫn đến chủ trương khoán 10, khoán hộ sau này, nhưng sự đổi mới hay cải cách chỉ có thể mang lại hiệu ứng thực sự, có giá trị làm thay đổi diện mạo đời sống người dân, lại chính từ nhà nước, nhân vật cầm cân nảy mực, tạo nền tảng của quốc gia. Sự thay đổi đó khởi thủy từ tư duy đến các chính sách đồng bộ.

{keywords}

Hiện tượng Kim Ngọc trong nông nghiệp dẫn đến chủ trương khoán 10, khoán hộ sau này. Ảnh minh họa: Báo Ninh Bình

Đồng cảm với những quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung, có không ít chuyên gia kinh tế chia sẻ.

Như ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Công ty truyền thông NBN nhận xét, VN gặt hái được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào năng lực nội tại và chính sách của Nhà nước. Chúng ta còn nhiều dị biệt quá, điều này cản trở hội nhập và làm hội nhập kém hiệu quả. Bởi vậy đổi mới giờ không phải theo cái chúng ta nghĩ là cần thế này hay thế khác mà cần theo các chuẩn quốc tế và làm càng nhanh càng tốt (theo news.zing.vn, ngày 05/10).

Còn ông Vũ Quốc Tuấn, trong trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam đã thẳng thắn: Tôi vẫn cho rằng, gốc gác để giải quyết những vấn đề này chính là thể chế. Thể chế là đường lối, quan điểm phát triển và là những chủ trương chính sách, những quy định pháp luật.

Thật ra, những chính sách ông Vũ Quốc Tuấn nêu ra không mới mẻ, vì nó rất quen thuộc với kinh tế thị trường các quốc gia văn minh, nhưng chắc chắn nó là cái mới với tư duy kinh tế nước Việt đang từng bước tiếp cận. Bởi bản chất của nó đòi hỏi sự dân chủ trong môi trường kinh doanh.

Đó là, thể chế cần tạo điều kiện người sản xuất kinh doanh có quyền sở hữu và phát triển sở hữu tư nhân. Đảm bảo tự do kinh doanh. Thể chế ấy cần đảm bảo cho các thành phần kinh tế, DN tự do cạnh tranh bình đẳng, không còn độc quyền DN trong nền kinh tế thị trường. Và quan trọng nhất, đổi mới sự lãnh đạo của nhà nước, cải cách hành chính để đưa những thể chế ấy vào cuộc sống bằng pháp luật, nghị định, thông tư…

Chỉ có 04 điều mang ý nghĩ động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, nhưng đó cũng là cuộc hành trình không đơn giản, bởi nó “cọ xát” không chỉ với sự bảo thủ- tính cách cố hữu thường gặp trong quản lý, mà nó còn cọ xát trước hết với lợi ích nhóm- nguyên nhân của tái cơ cấu DNNN chậm chạp.

Mặt khác, trong mọi sự đổi mới, đổi mới tư duy là khó khăn nhất, bởi XH nước Việt trải qua quá nhiều ấm lạnh của lịch sử. Nền tảng lý luận mỏng manh, đặc điểm tâm lý phương Đông, tư duy tiểu nông vốn ngại thay đổi và dễ… ngợp trước cái mới. Trong khi, TPP là một cuộc chơi hiện đại đòi hỏi luật chơi văn minh, sòng phẳng. Và đã tham gia cuộc chơi, VN phải thay đổi rất nhiều thứ, từ mô hình sản xuất, mô hình XH, các khái niệm, đến các chức năng của nhà nước kiến tạo phát triển… Đó là những nguyên nhân sâu kín, rất có thể là những vật cản khiến cho bước đi hội nhập lên thác xuống ghềnh.

Vì thế, cũng rất đáng suy nghĩ, khi nghe nhận xét của ông Lương Văn Lý, nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Sở KH & ĐT (t/p HCM): Từ kinh nghiệm 30 năm làm việc cho cơ quan Nhà nước, tôi cho rằng việc thay đổi rất khó khăn. Thách thức thay đổi với DN lớn thì thách thức với Nhà nước cũng lớn không kém.

Còn ông Trương Đình Tuyển, nguyên Trưởng đoàn đàm phán VN gia nhập WTO, khi tham dự buổi báo cáo của Bộ Công Thương về việc kết quả đàm phán TPP đã chia sẻ: “Tôi rất lo cho DN, nhưng tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn bởi DN chịu sức ép của cạnh tranh thì phải vươn lên, có anh sẽ chết, có anh trưởng thành, song bộ máy Nhà nước trì trệ thì rất nguy hiểm”.

Nỗi lo cho… Nhà nước, cũng chính là nỗi lo về động lực kích thích sự vươn lên của các DN tư nhân- một môi trường kinh doanh tự do và dân chủ, sòng phẳng và minh bạch.

Liệu chiếc chìa khóa dân chủ có thể mở được những bất cập của “ổ khóa” DN tư nhân hay không? Đó có lẽ cũng là một…. bí ẩn của lịch sử, sẽ được trả lời trong thì tương lai không xa.

Kỳ Duyên