fpt cong nghe.jpg
Khối công nghệ bao gồm dịch vụ CNTT trong nước và dịch vụ CNTT nước ngoài tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 60% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn FPT.

Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 101% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra tại Đại hội đồng Cổ đông.

Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 6.470 tỷ đồng, tăng trưởng 21,8%, EPS (Earning Per Share) đạt 4.666 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng 21,3% so với năm trước. 

FPT cho biết, khối công nghệ bao gồm dịch vụ CNTT trong nước và dịch vụ CNTT nước ngoài tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 60% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế của toàn Tập đoàn FPT, tương đương 31.449 tỷ đồng và 4.161 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 22,1% và 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023 mang ý nghĩa lịch sử với FPT khi doanh thu từ dịch vụ CNTT tại nước ngoài chính thức vượt mốc 1 tỷ USD, đạt 24.288 tỷ đồng, tăng 28,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.782 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản, bất chấp sự mất giá của đồng Yên, vẫn giữ được đà tăng trưởng cao 43,4% so với cùng kỳ. Tăng trưởng này đến từ nhu cầu chi tiêu lớn cho công nghệ thông tin, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số. 

Doanh thu chuyển đổi số từ thị trường nước ngoài trong năm 2023 của FPT đạt 10.425 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud, AI/Data Analytics... 

Năm 2023, FPT tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động tại thị trường nước ngoài thông qua việc mở mới 5 văn phòng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Mexico và thực hiện 4 thương vụ mua bán sáp nhập tại Mỹ, Nhật Bản, Pháp.

Đầu năm 2023, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” có chủ đề “Doanh nghiệp số Việt Nam: Hợp tác số toàn cầu - Đối tác tin cậy để xây dựng Thế giới số".

Tại hội nghị này Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đi ra nước ngoài. Bộ trưởng cho rằng, đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Và đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Và cũng vì có năng lực cạnh tranh quốc tế mà chúng ta tồn tại được lâu dài ở trong nước. Đi ra nước ngoài cũng là để bảo vệ Việt Nam.

Đi ra nước ngoài là mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi Việt Nam đến. Đi ra nước ngoài là để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Đi ra nước ngoài là mở rộng không gian, là mở rộng thách thức, cũng là mở rộng hệ tri thức, cũng là học hỏi để xây dựng Việt Nam. Tất cả những cái này là để Việt Nam giỏi lên. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được.

Bộ trưởng khẳng định, chinh phục thị trường nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn, thách thức. Hội nghị hôm nay là khởi đầu cho chiến dịch của Bộ TT&TT hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Nhà nước mở đường rồi người đi trước kéo người đi sau.

Bộ TT&TT sẽ tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số ở nước ngoài, tham mưu cho Chính phủ ký kết các Hiệp định về đối tác số với các nước, thành lập tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đi ra nước ngoài, sẽ là chỗ dựa, là cấu nối sát cánh cùng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ở bất cứ nơi đâu doanh nghiệp đặt chân đến.

“Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia. Việt Nam là một quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể giải quyết mọi bài toán toàn cầu và địa phương bằng công nghệ số”, Bộ trưởng nói.