Gần đây áp lực từ các tiếng nói trên mạng xã hội nghe chừng cũng có tác dụng như báo chí, thậm chí còn nhanh hơn, trăm tai nghìn mắt hơn. Thế nhưng nếu như báo chí có báo nghiêm túc, có báo lá cải thì trên mạng xã hội tính lá cải, võ đoán, thiếu kiểm chứng, ưa giật gân, ưa tạo tranh cãi đang là xu hướng chính…
Trong diễn văn nhậm chức trình bày trước Quốc hội vào năm 2002, Thủ tướng vừa được bổ nhiệm và phê chuẩn lúc đó, ông Phan Văn Khải, đã nhấn mạnh vào cụm từ “độc quyền chân lý” khi nói về dân chủ hóa quá trình phát triển xã hội.
Sau đó vào năm 2003, ông nhắc lại khái niệm này tại Hội đồng lý luận trung ương khi nói đến việc tôn trọng những ý kiến khác biệt, tranh luận bình đẳng, tránh tình trạng “độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, quy kết tùy tiện”.
Đó là nói về cách tiếp cận trong tranh luận, trong thuyết phục, trong bảo vệ cho quan điểm của từng người – nhờ đó ý kiến khác biệt được lắng nghe. Dĩ nhiên trong mối quan hệ hành chính, chắc chắn không bao giờ được xảy ra tình trạng độc quyền chân lý, hiểu theo nghĩa sếp luôn nói đúng. Trong mối quan hệ này, mọi việc phải dựa vào luật lệ, quy chế, quy định – không ai được quyền dựa vào ý kiến cá nhân để áp đặt lên người khác, bất chấp luật pháp.
Đáng tiếc là hơn 10 năm sau, tình trạng độc quyền chân lý không những không giảm trong tranh luận mà còn biến thành một dạng khác rất mới: độc quyền chân lý đôi lúc là sự bao biện, coi thường sự đóng góp của người khác, rằng chỉ có người nói là đúng hay biết được hướng giải quyết đúng đắn; mọi góc nhìn khác là dư thừa, làm phân tâm, làm rối thêm sự việc.
Trong quá trình phát triển kinh tế, nhất là đi lên từ một mô hình khác (mô hình kế hoạch hóa tập trung) chuyển sang mô hình kinh tế thị trường, chắc chắn có lúc người điều hành đưa ra quyết định sai hay không phù hợp tại thời điểm đó. Không ai tài giỏi đến mức không bao giờ sai sót. Vấn đề là biết nhận ra cái sai của mình và sửa sai kịp thời – đó mới là điểm mấu chốt làm nên sự thành công của mọi quá trình hoạch định chính sách. Còn cứ khư khư độc quyền chân lý thì sự bế tắc sẽ là kết quả đương nhiên.
Hiện nay cái khắc tinh của quán tính độc quyền chân lý là báo chí – khi làm đúng chức năng phản ánh mọi khía cạnh của dư luận xã hội – báo chí sẽ trở thành một diễn đàn không có chỗ cho độc quyền chân lý hoành hành. Đáng tiếc đôi lúc báo chí cũng rơi vào chỗ chính báo chí cũng độc quyền chân lý luôn.
Gần đây, áp lực từ các tiếng nói trên mạng xã hội nghe chừng cũng có tác dụng như báo chí, thậm chí còn nhanh hơn, trăm tai nghìn mắt hơn. Thế nhưng nếu như báo chí có báo nghiêm túc, có báo lá cải thì trên mạng xã hội tính lá cải, võ đoán, thiếu kiểm chứng, ưa giật gân, ưa tạo tranh cãi đang là xu hướng chính, những tiếng nói tỉnh táo, phân tích chừng mực rất hiếm, bị chìm lấp trong một môi trường ngập tiếng ồn, tiếng cãi vã… Từ đó, mạng xã hội cũng hình thành những nhóm “độc quyền chân lý” riêng cho nhóm họ, cũng cực đoan chẳng kém gì. Tính năng sinh hoạt theo nhóm cùng quan điểm, cùng cách nhìn càng củng cố xu hướng độc quyền chân lý trên các diễn đàn mạng mà lẽ ra phải là nơi chia sẻ, tranh luận các quan điểm khác nhau.
Ở các nước, mạng xã hội cũng ồn ào, cũng đầy các câu chuyện thêu dệt nhưng nó được cân bằng lại bởi một nền báo chí mạnh. Mạng xã hội chỉ khơi mào một sự quan tâm nào đó và sau đó người ta sẽ quay sang báo chí chính thống để được đọc thông tin có kiểm chứng, được thu thập bởi những người có tay nghề, bởi một bộ máy chịu trách nhiệm về thông tin mình đưa ra. Sự tương tác này càng làm cho cả hai bên mạnh lên, đóng đúng vai trò giám sát mà giới tinh hoa ở những nước này kỳ vọng cũng nhằm tự giúp họ luôn hoàn thiện, nhờ đó không ai có thể độc quyền dòng chảy thông tin được.
* * *
Quay trở lại Việt Nam, mạng xã hội đang có một tác động rất lớn đến ứng xử của mọi người, kể cả phản ứng của chính quyền trong nhiều trường hợp. Cái đáng tiếc là chúng ta đang thiếu vắng vai trò cân bằng trở lại của một nền báo chí mạnh để sàng lọc, kiểm chứng, xác minh, điều tra các thông tin đang hình thành các dòng chảy trên mạng xã hội.
Những dòng chảy trên mạng xã hội đôi lúc hội tụ lại làm thành một tâm lý đám đông với đầy đủ đặc tính của đám đông truyền thống. Tâm lý này nếu không được cân đối bằng sự phân tích bình tĩnh của báo chí truyền thống, sẽ có thể dẫn tới những phản ứng làm xã hội bất ổn.
Lấy ví dụ sự cố môi trường ở vùng biển miền Trung, cho đến nay câu hỏi rất chính đáng của người dân là biển đã sạch chưa, cá có an toàn để tiêu thụ chưa – vẫn chưa có câu trả lời. Cuộc họp báo công bố thủ phạm gây cá chết vào ngày 30/6 vẫn chưa giải đáp thỏa đáng các độc chất gây chết cá, kể cả san hô dưới đáy biển có còn đó hay đã tiêu hủy, ngư dân giờ đã có thể ra khơi đánh bắt được chưa, bao giờ bắt tay làm sạch biển và mất bao lâu thì khắc phục hoàn toàn hậu quả…
Một khi báo chí chính thống để trống trận địa cung cấp câu trả lời thì đương nhiên mạng xã hội sẽ tràn ngập các loại đồn đoán, thật giả khó lường.
Nhìn lại khái niệm độc quyền chân lý ở phần đầu, rõ ràng một sự vào cuộc của báo chí sẽ góp phần khắc phục những điểm yếu của bộ máy bởi bộ máy không yếu thì đã không để xảy ra sự cố cá chết như thế; báo chí cũng sẽ thay mặt nhà nước hay cùng nhà nước rà soát lại các dự án khác có tiềm năng gây ô nhiễm như Formosa; báo chí cũng sẽ giúp tìm giải pháp khắc phục các lỗ hổng trong phân cấp cấp phép để tránh tình trạng địa phương xé rào ưu đãi tràn lan cho nhà đầu tư và sau đó gánh hậu quả.
Nếu cứ khăng khăng độc quyền chân lý – chắc chắn dòng chảy thông tin sẽ không kiểm soát được mà bản thân bộ máy không bị giám sát sẽ vận hành ngày càng yếu đi, chỉ đối phó với từng vụ việc chứ không phục vụ cho một tầm nhìn lâu dài hay một chiến lược dài hạn.
Nguyễn Vạn Phú (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)