Sáng nay 29/4, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước” đã thức diễn ra. Đây là diễn đàn quan trọng để Chính phủ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) phát triển, ngày càng đóng góp lớn hơn vào đất nước.
Gửi đến hội nghị lần này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổng hợp hàng ngàn ý kiến với nhiều nhóm vấn đề: liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và thủ tục kinh doanh; thuế - phí - hải quan; tiếp cận các nguồn lực vốn và đất đai; thanh tra - kiểm tra; khoa học công nghệ; lao động - việc làm,...
Trong đó, ba vấn đề bức xúc nhất được các DN trông đợi Chính phủ quyết liệt “ba giảm” là: giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý; giảm gánh nặng chi phí tăng lên; giảm thanh tra, kiểm - tra, sách nhiễu – phiền hà DN để 'giải phóng' những khó khăn, hạn chế đang kìm hãm DN tăng tốc, phát triển.
Dẹp ‘mê cung’ 7.000 giấy phép con
Luật DN, Luật Đầu tư đã có hiệu lực. Tuy nhiên, quá trình thực thi phát sinh nhiều vướng mắc do có sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp giữa quy định của luật với các luật, văn bản pháp luật khác.
Cho đến nay, dù luật mới đề ra nguyên tắc DN được kinh doanh bất cứ ngành nghề nào pháp luật không cấm và yêu cầu các cơ quan quản lý phải rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp.
Tuy nhiên, các DN vẫn đang “lạc trong mê cung” của hàng ngàn giấy phép con do chính các bộ ngành ban hành. Con số 7.000 giấy phép con là một thách thức và đòi hỏi phải có biện pháp mạnh để loại bỏ và ngăn chặn sự biến tướng của chúng.
Hơn nữa, các ý kiến của DN cũng tỏ ra lo ngại về các hành vi hình sự hóa quan hệ kinh doanh trên cơ sở “suy diễn” của các cơ quan tư pháp đang làm xói mòn niềm tin kinh doanh. Nỗi lo sợ thất bại trong kinh doanh của người VN vẫn ở mức độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
DN đề xuất Chính phủ cần thực hiện ngay việc tổng rà xét các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của DN để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các luật, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện. Cần ngăn chặn được tình trạng ban hành những loại giấy phép con không cần thiết dưới mọi hình thức, cản trở quyền tự do kinh doanh của DN.
Giảm thanh tra, kiểm tra gây phiền hà DN
Rất nhiều các Hiệp hội đại diện DN các tỉnh thành đều nêu thực trạng nhiều DN mỗi năm tiếp hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra. Thậm chí có tháng 1 DN tiếp tới 4-5 đoàn thanh tra. Việc thanh tra, kiểm tra quá nhiều, cùng một nội dung của nhiều ngành gây khó khăn cho DN. Thậm chí, tâm lý của phần lớn người Việt Nam cứ thấy thanh tra là lo lắng, khách hàng không ủng hộ, cổ đông rút vốn, thương hiệu, uy tín của DN bị giảm sút.
Từ đó, các hiệp hội, DN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành thanh tra cần có kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể để tránh chồng chéo, tạo điều kiện cho DN phát triển. VCCI đề nghị Chính phủ quy định mỗi địa phương có một cơ quan điều hành thống nhất kế hoạch, lịch thanh kiểm tra tới DN để DN chủ động thời gian; cần hạn chế các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các DN có truyền thống thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về thuế.
Ngoài ra, các DN cũng cho rằng, chính việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm các giấy phép con, chấn chỉnh phong cách, đạo đức công vụ cũng là một bước để giảm bớt các kẽ hỡ, lý do để các cơ quan quản lý ‘hành’ DN.
Giảm thuế phí và chi phí
Theo phản ánh của các DN, tuy thuế thu nhập DN có giảm chút ít song các loại thuế và phí đều tăng như thuế xăng dầu, thuế môi trường, thuế phương tiện, phí đường bộ, bảo trì đường bộ, bến bãi, bảo hiểm xã hội,... đều tăng rất cao dẫn đến lợi nhuận của DN vận tải thấp, thậm chí không có lãi nên rất khó cho DN đầu tư phát triển.
Các DN đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện “khoan sức cho DN”. Xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho một số ngành hàng, giảm thuế sử dụng đất, điều chỉnh các quy định về chính sách thuế cho nhất quán, rà soát, bãi bỏ các loại phí không còn phù hợp, tính toán phí đường bộ một cách hợp lý.
Với chính sách thuế, hải quan, các DN cho biết mặc dù không muốn vi phạm nhưng hai lĩnh vực này có nhiều quy định rối rắm đôi khi gây ra rủi ro không muốn đối với DN. Hạn chế này sẽ được tháo gỡ nếu cán bộ công chức ngành thuế và hải quan làm việc minh bạch với DN, tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về thuế và hải quan rõ ràng, minh bạch.
Các DN phản ánh nhiều đến tình trang gia tăng chi phí đầu vào do tăng giá thuê đất tăng quá cao trong các năm qua, nhiều loại chi phí đầu tư khác cũng tăng theo do sự phức tạp của thủ tục hành chính, sự chậm trễ của các cơ quan chức năng.
Đi cùng với đó, các DN nhất là DN mới thành lập, DN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận vốn vay. Một thống kê được các DN nêu lên, nếu như 76% số DN lớn vay được vốn từ ngân hàng thì tỷ lệ này dành cho DN vừa là 72%, DN nhỏ là 60% và DN siêu nhỏ chỉ là 38%. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực bắt buộc phải có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn lại phiền hà,...
Với tất cả những đề xuất của mình, các DN mong muốn qua hội nghị lần này sẽ có những biện pháp quyết liệt từ Thủ tướng để không còn tình trang, chủ trương chính sách thì đúng nhưng thực thi không đúng, thậm chí không thực hiện. Từ đó dẫn đến luật thì nhiều nhưng hiệu lực, hiệu quả không được là bao. Chấm dứt tình trạng, hô hào “ủng hộ, tháo gỡ khó khăn cho DN” nhưng lời nói thì không đi đôi với việc làm.
Hà Duy