Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có 9 xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tập trung ở các xã Văn Lăng, Tân Long và Quang Sơn. Đời sống của bà con còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Để hỗ trợ người Mông ở các xóm, bản trên từng bước thoát nghèo, tỉnh và huyện Đồng Hỷ đã triển khai nhiều chương trình, đề án của Trung ương và địa phương. Trong đó có Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” (Đề án 2037).

{keywords}
Để hỗ trợ người Mông từng bước thoát nghèo, huyện Đồng Hỷ đã triển khai nhiều chương trình, đáng chú ý là Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến. 

Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, Bản Tèn được mệnh danh là xóm xa nhất, cao nhất, khó khăn nhất tỉnh… Bản người Mông này có trên 100 hộ dân thì 100% nằm trong danh sách hộ nghèo. Trước đây, tôi ấn tượng với Bản Tèn bởi lắm cái không: Không điện, không đường, không sóng điện thoại… Nhưng hiện nay, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và của tỉnh, người Mông ở Bản Tèn đã được thụ hưởng lợi ích thiết thực từ những công trình phúc lợi xã hội, “xoá” được nhiều cái “không” ở bản.

Bản Tèn giờ có đường phẳng và rộng, nhà văn hoá, trường lớp được xây kiên cố, khang trang, 3 năm qua, điện lưới Quốc gia đã sáng trong mỗi căn nhà. Những ngày tháng Ba, hoa Tam giác mạch nở trắng trên những thửa ruộng bậc thang, tạo nên khung cảnh thanh bình, nên thơ, thu hút bao người muốn ghé thăm.

Cũng giống như bản Tèn, những năm qua, xóm Mỏ Ba- - một trong những xóm khó khăn nhất của xã Tân Long đã được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, như: Làm đường giao thông; cây, con giống, công cụ phục vụ sản xuất… Do đặc thù là vùng núi cao, thiếu nước sinh hoạt, để giúp bà con khắc phục khó khăn, một công trình nước sinh hoạt tập trung mới được xây dựng và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Nhờ đó, 142 hộ dân ở Mỏ Ba đã có nước sạch hợp vệ sinh dẫn về từng nhà. Thực hiện Đề án 2037, năm 2018, Mỏ Ba tiếp tục được đầu tư làm 4,3km đường bê tông qua xóm với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng. Các công trình được đầu tư ở xóm đều phát huy hiệu quả.

Ông Lăng Viết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long cho biết: Những năm qua, các chương trình, đề án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, xã đều triển khai đầy đủ, nghiêm túc để mọi người dân được hưởng lợi. Riêng Đề án 2037, từ năm 2014 đến nay, xã Tân Long không chỉ được đầu tư làm đường bê tông tại 2 xóm đặc biệt khó khăn là Mỏ Ba, Lân Quan mà mỗi năm, bà con còn được hỗ trợ về cây, con giống cũng như tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, ngành, các hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đồng bào người dân tộc Mông ở Tân Long đã có cơ hội vươn lên, từng bước vượt qua khó khăn, thoát nghèo.

Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ thông tin: Thực hiện Đề án 2037 giai đoạn từ năm 2014 đến nay, toàn huyện Đồng Hỷ có 419 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi trực tiếp, chủ yếu là người dân tộc Mông. Theo Đề án, các xóm, bản có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã được đầu tư xây dựng 6 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài trên 16km; 2 nhà văn hoá xóm; 2 công trình lớp học; 1 công trình nước sinh hoạt tập trung đã được xây mới.

Song song với đầu tư cơ sở hạ tầng, Đề án còn dành nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Hằng năm, tỉnh thực hiện hỗ trợ giống, phân bón đảm bảo trồng được gần 600ha ngô lai; hỗ trợ xây dựng mô hình cây ăn quả 9ha; hỗ trợ vay vốn không tính lãi để chăn nuôi trâu, bò… Nguồn kinh phí mà Đề án hỗ trợ cho các xóm, bản trong 5 năm qua đạt trên 18 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các xóm, bản đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ còn được tiếp nhận nhiều nguồn hỗ trợ từ các chương trình, đề án khác, như: Chương trình 135, các chính sách dân tộc, đề án xây dựng khu tái định cư… với tổng chi phí hàng trăm tỷ đồng.

Mặc dù đồng bào dân tộc Mông ở Đồng Hỷ còn gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhưng có thể thấy, Đề án 2037 góp phần tạo ra những đổi thay tích cực. Đến nay, cả 9 xóm, bản đều đã có đường bê tông nối với trung tâm xã; 98% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; tỷ lệ trẻ đến trường đúng độ tuổi ở cả 3 bậc học (mầm non, tiểu học và THCS) đều đạt 100%.

Thúy Tình
Ảnh: Lê Hạnh