Theo công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các UBND huyện, thành phố trên toàn tỉnh Lâm Đồng, huyện Đơn Dương đã vươn lên từ vị trí thứ tư lên thứ nhất với tổng điểm 68,32, chỉ số thành phần đạt 97,6%. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong điều hành, quản lý và giám sát xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu mà Đơn Dương đang thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương - Dương Đức Đại cho biết, để có được kết quả này, UBND huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, trong đó chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết, xử lý hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn đều ban hành kế hoạch cải cách hành chính để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ để không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác cải cách hành chính.

anh chup man hinh 2023 12 01 luc 090836.png
Một góc của huyện Đơn Dương.

Đến nay, tổng số thủ tục hành chính thực hiện tại cấp huyện là 296 thủ tục, thực hiện tại Bộ phận Một cửa là 296 thủ tục. Tổng số thủ tục hành chính thực hiện tại cấp xã là 165 thủ tục, thực hiện tại Bộ phận Một cửa là 165 thủ tục. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND huyện Đơn Dương đã giải quyết 1.499 hồ sơ thủ tục hành chính (trong đó giải quyết đúng và trước hạn là 1.484 hồ sơ, giải quyết trễ hạn 15 hồ sơ), đạt tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước và đúng hạn là 98,7%. 

Huyện cũng đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện tích hợp thủ tục hành chính thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đến nay, đã sử dụng hiệu quả 2 hệ thống họp trực tuyến được UBND tỉnh đầu tư trước đây vào các cuộc họp trực tuyến, 10/10 xã, thị trấn có hệ thống họp trực tuyến liên thông đến cấp tỉnh.

Chuyển đổi số cũng đang hiện hữu trong đời sống của người dân, tới từng diện tích sản xuất. Điển hình như ở xã Lạc Xuân là xã thứ 2 được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Đơn Dương.

Theo UBND xã Lạc Xuân, toàn bộ 100% diện tích sản xuất của xã đã thực hiện cơ giới hóa trong các khâu làm đất, lên luống; trên 65% rau, hoa được sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; 100% diện tích sản xuất ứng dụng các hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, tưới phun sương và tưới thấm có thiết bị điều khiển tự động; 80% diện tích ứng dụng hệ thống cung cấp dinh dưỡng tự động hoặc bán tự động; 100% diện tích sử dụng hệ thống phòng trừ sâu bệnh tự động và bán tự động... 

Song song đó, các vấn đề về thu gom rác thải nông nghiệp được triển khai đúng quy định. Các điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đường giao thông, hệ thống điện và hệ thống cấp thoát nước đều đảm bảo các tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Trương Văn Tùng, Bí thư Huyện ủy Đơn Dương cho hay, trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai ứng dựng các nền tảng, giải pháp công nghệ số quốc gia như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; nền tảng định danh người dân; nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới, nền tảng dạy học trực tuyến... 

Đồng thời, sử dụng hiệu quả ứng dụng Đơn Dương trực tuyến. Đây là ứng dụng có chức năng quản lý phản ánh, góp phần đáp ứng nhu cầu tiếp nhận và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trên địa bàn huyện, là kênh giao tiếp giữa người dân và chính quyền, giúp cho các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn huyện thực hiện tốt và hiệu quả hơn nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý và kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm.

Cùng với đó là đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. 

Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số. 

Hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn. Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số. Nâng cao năng lực sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin của người dân, hình thành đội ngũ nông dân số gắn liền với quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn mới thông minh.

Có thể nói, những việc làm mà huyện Đơn Dương đang thực hiện thể hiện quyết tâm cao của địa phương trong việc nỗ lực xây dựng nông thôn mới thông minh.

Thời gian tới, Đơn Dương sẽ tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.    

Thanh Minh