Thông tin này được đưa ra bởi Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam (Lefaso).

Theo hiệp hội, ngành da giày đã chủ động được hơn 70% nguyên liệu phụ cho các dòng sản phẩm trung bình và 50% nguyên liệu cho các dòng sản phẩm trung bình khá.

Trong đó, khoảng 90% bao bì giấy, 80% đế các loại, hơn 80% các loại khuôn-last, 60% phụ liệu, 50% da các loại…

Nhìn chung, các chủng loại nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước có chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cho sản xuất hàng XK hầu hết là sản phẩm của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng khá đa dạng như: Phụ kiện kim khí, nhựa, chỉ may, keo dán, một số hóa chất, da thành phẩm sản xuất từ da muối, da bán thành phẩm, giả da từ nhựa tổng hợp PU, PVC cao cấp…

Hiệp hội cho biết, các hiệp định thương mại được ký kết đã tạo ra sân chơi hấp dẫn cho các nhà đầu tư rót vốn vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày. Đơn cử như, một số nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), điển hình như Italia đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp Việt ứng dụng công nghệ ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra các đối tác nước này còn giúp Việt Nam phát triển đội ngũ thiết kế, quản lý cấp cao và hỗ trợ ngành tiếp cận và chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến.

Những hỗ trợ này phần nào đáp ứng được nhu cầu của DN và giúp mở cánh cửa cho DN Việt Nam nắm bắt, vươn ra được thị trường thế giới.

Hiệp hội các nhà sản xuất máy, thiết bị và công nghệ dành cho sản phẩm giày, đồ da và thuộc da của Italia (ASSOMAC) cho biết, chỉ trong giai đoạn 2013 - 2018, giá trị xuất khẩu máy móc ngành da giày Italia vào thị trường Việt Nam đã tăng gấp 10 lần, từ 3,4 triệu Euro lên 31 triệu Euro. Riêng Italia hiện là nhà cung cấp máy móc lớn thứ hai trong ngành da giày cho Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc.

{keywords}
Giày dép Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu tích cực

Tính đến tháng 11, nhiều doanh nghiệp da giày Việt Nam đã có lượng đơn hàng XK tăng trung bình 5 - 10% so cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, có triển vọng phát triển trong các tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 11 tháng ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 12,5% so cùng kỳ năm ngoái. Với những thuận lợi về thị trường, dự báo sản xuất ngành da giày năm 2019 sẽ tăng hơn 10% so năm 2018.

Thu Ngân